Tiêm phòng vắc xin trước khi mang thai là cách tốt nhất giúp bảo vệ mẹ và thai nhi tránh được những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Thế nhưng, nhiều chị em vẫn chưa hiểu rõ nên tiêm loại vắc xin nào, thời điểm có thể tiêm chủng cũng như cần lưu ý những gì. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp các thắc mắc thường gặp nhất.
1. Tại sao nên tiêm phòng trước khi mang thai?
Khi mang thai, hệ thống miễn dịch tự nhiên trong cơ thể sẽ có dấu hiệu suy giảm, vì vậy cơ thể người mẹ dễ bị tấn công bởi những bệnh lý nguy hiểm và có nguy cơ xuất hiện những biến chứng nghiêm trọng với thai nhi. Nếu mẹ mắc các bệnh sởi, quai bị, rubella… trong thai kỳ thì khả năng cao thai nhi bị dị tật là điều không thể tránh khỏi. Không chỉ vậy, virus nhiễm bệnh cũng gây viêm nhiễm buồng trứng, phá hủy tế bào trứng, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe sinh sản, gia tăng nguy cơ sinh non, thai chết lưu, sảy thai.
Chính vì thế, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cần chủ động đi tiêm phòng để tránh được những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra. Việc tiêm phòng trước khi mang thai không chỉ đảm bảo sức khỏe của mẹ ổn định mà còn giúp trẻ sơ sinh có đủ lượng kháng thể (miễn dịch) ngắn hạn để bảo vệ bé trong những năm tháng đầu đời, khi bé chưa đủ tuổi để có thể chủng ngừa vắc xin.
Tiêm phòng vắc xin trước khi mang thai chính là biện pháp chủ động giúp bảo vệ sức khỏe mẹ bầu và thai nhi
2. Khi nào là thời điểm tiêm vắc xin hợp lý?
Trước khi lên kế hoạch mang thai, người mẹ nên được tiêm tất cả các loại vắc – xin cần thiết theo khuyến cáo của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới. Cụ thể:
- Vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung HPV: Loại vắc xin này cần được chủng ngừa khi bạn dưới 26 tuổi và phải có sự chỉ định của bác sĩ. Lịch tiêm vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung bao gồm 3 mũi, trong đó liều thứ 2 cách liều đầu tiên từ 1 – 2 tháng, liều 3 sau liều đầu tiên khoảng 6 tháng. Trường hợp đang trong quá trình tiêm mà có thai thì phải ngừng tiêm, đến khi sinh xong mới tiếp tục tiêm mũi tiếp theo. Lưu ý, khoảng thời gian để hoàn tất 3 mũi tiêm không được vượt quá 2 năm.
- Vắc xin ngừa Sởi – Quai bị – Rubella: Hiện nay, có vắc xin giúp bạn chủ động phòng ngừa cả 3 căn bệnh này chỉ trong 1 mũi là MMRII rất hiệu quả. Vắc xin này có thể thực hiện tiêm chủng từ khi bạn còn nhỏ hoặc từng mắc bệnh hồi nhỏ và đã có khả năng miễn dịch. Tuy nhiên, trước khi tiêm bác sĩ sẽ đề nghị bạn thực hiện xét nghiệm máu để kiểm tra xem trong cơ thể đã có khả năng miễn dịch với bệnh hay chưa.
- Vắc xin 3 trong 1 ngừa Uốn ván – Bạch hầu – Ho gà: Thời điểm lý tưởng để chủng ngừa là bắt đầu khoảng tuần 27 đến tuần 36 của thai kỳ.
- Vắc xin ngừa cúm: Vắc xin bất hoạt, đã khử toàn bộ hoạt tính của virus có thể được tiêm vào bất cứ giai đoạn nào của thai kỳ. Còn với vắc xin ngừa cúm của virus còn sống, đã làm cho yếu đi thì cần được tiêm trước thụ thai 1 tháng.
- Vắc xin ngừa thủy đậu: Nếu ngay từ nhỏ bạn đã được tiêm phòng vắc xin thủy đậu thì nên tiêm thêm một mũi tăng cường, ít nhất là 1 tháng trước khi mang thai.
- Vắc xin ngừa viêm gan siêu vi A: Virus viêm gan A mặc dù không gây ra tình trạng viêm gan mạn tính nhưng ở giai đoạn nguy kịch sẽ làm tăng nguy cơ tử vong, khiến mẹ bầu gặp nguy hiểm nên cần được tiêm trước khi mang thai theo chỉ định của bác sĩ.
- Vắc xin ngừa viêm gan siêu vi B: Loại virus này khá nguy hiểm, chúng có thể lây truyền qua máu và dịch cơ thể nên chị em có thể mắc bệnh mà không hề hay biết. Do đó, không chỉ phụ nữ chuẩn bị mang thai mà người chồng cũng cần được tiêm chủng, gồm 3 mũi trong vòng 4 tháng tiêm. Nếu không toàn tất tiêm 3 mũi kịp trước khi có thai thì có thể tiếp tục tiêm trong thời gian thai kỳ.
- Ngoài ra, vắc xin ngừa viêm màng não và vắc xin ngừa phế cầu khuẩn sẽ được tiêm theo sự chỉ định của bác sĩ.
Tiêm vắc – xin trong thai kỳ cần được bác sĩ chỉ định sau khi thăm khám và tư vấn
3. Không kịp tiêm phòng trước khi mang thai có bị sao không?
Vấn đề chủng ngừa trước thời kỳ mang thai hiện đã được sự khuyến cáo của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới, nhưng điều này không mang tính bắt buộc và phụ thuộc vào quyết định của người mẹ. Tuy nhiên, nếu không được tiêm vắc xin trước khi mang thai, người mẹ dễ mắc phải những bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm. Đồng thời, em bé có nguy cơ bị lây truyền từ mẹ trong khi sinh hoặc bị dị tật bẩm sinh do biến chứng bệnh gây ra, thậm chí đe dọa sảy thai, sinh non. Vì vậy, các chị em phụ nữ nên lập kế hoạch tiêm phòng vắc xin đầy đủ trước khi mang thai. Trường hợp đã có thai nhưng vẫn chưa thực hiện tiêm phòng, mẹ bầu có thể tiêm bù các mũi vắc xin trong thai kỳ cần thiết như tiêm ngừa cúm (bất hoạt), tiêm ngừa viêm gan B.
Nhờ tiêm phòng vắc xin trước khi mang thai đầy đủ, thai nhi sẽ được bảo vệ tuyệt đối nhờ hệ thống kháng thể của mẹ
4. Có cần lưu giữ lịch sử tiêm vắc xin trước khi mang thai không?
Nhằm xác định được chính xác các loại vắc xin cần tiêm chuẩn nhất, các chị em nên lưu giữ lại thông tin về lịch sử tiêm chủng trước thai kỳ. Trong trường hợp nếu không có thông tin hoặc bị lạc mất lịch sử tiêm của bản thân, bạn có thể:
- Hỏi bố mẹ hay các thầy cô giáo cũ của mình, vì có thể họ vẫn còn lưu giữ lại hồ sơ tiêm chủng lúc nhỏ của bạn. Hoặc hỏi họ về những bệnh nhiễm mà bạn đã từng mắc phải vì nhiều khả năng lúc cơ thể nhiễm bệnh đã hình thành đủ kháng thể chống lại căn bệnh đó;
- Liên lạc lại với các bác sĩ trước đây đã từng thăm khám cho bạn hoặc những nơi mà bạn đã từng được tiêm chủng (trạm y tế địa phương, trường học, nơi làm việc…).
Một khi đã có đầy đủ những thông tin đích xác về lịch sử chủng ngừa của bạn, bác sĩ sẽ có cơ sở để tư vấn về các loại vắc xin thích hợp cần tiêm nhờ đó bảo vệ tối đa sức khỏe cho bạn và em bé trong thời gian mang thai tốt hơn.
5. Bà bầu nên lưu ý gì khi tiêm vắc xin?
Sau quá trình tiêm phòng cơ thể thường xuất hiện một số tác dụng phụ là sốt nhẹ, thường thấy ở mũi tiêm uốn ván. Bên cạnh đó, khi tiêm vắc xin cảm cúm có thể gây ra hiện tượng giả cúm như hắt hơi, sổ mũi. Tuy nhiên, mẹ bầu cần hiểu rằng đây chỉ là những phản ứng phụ thông thường, sẽ tự khỏi trong vài ngày sau đó. Nếu cảm thấy cơ thể có các biểu hiện bất thường hoặc kéo dài quá lâu thì nên đi đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị.
Để cơ thể hạ sốt sau khi tiêm phòng, các mẹ có thể tham khảo một số cách như sau:
- Dùng khăn ấm lau toàn bộ người hoặc chườm lên một số vị trí như bẹn, nách hoặc lưng để giảm nhiệt độ.
- Bổ sung vitamin bằng cách uống nhiều nước cam, ăn nhiều rau xanh hoặc hoa quả.
- Không tự ý uống thuốc mà không có sự chỉ định từ phía bác sĩ.
Xem thêm: Những rau quả tăng cường sức khoẻ cho phụ nữ mang thai
6. Nên tiêm phòng trước khi mang thai ở đâu tốt, uy tín?
Bên cạnh việc nắm rõ các mũi tiêm cũng như thời điểm tiêm trước khi mang thai thì việc chủng ngừa cho phụ nữ trước khi kết hôn hoặc chuẩn bị mang thai ở đâu cũng vô cùng quan trọng. Trong đó, tại TP.HCM ngoài các bệnh viện lớn thì Hệ thống Phòng khám Quốc tế CarePlus là nơi tiêm chủng trước khi mang thai được nhiều người lựa chọn hiện nay.
Với hơn 26 phòng khám trải rộng trên toàn quốc, được đầu tư cơ sở vật chất tiên tiến, hiện đại, dịch vụ tiêm chủng vắc xin an toàn, cao cấp, giá cả phải chăng, Hệ thống CarePlus đã làm hài lòng mọi khách hàng. Đặc biệt, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chủng ngừa tại CarePlus được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành đã đáp ứng tốt nhu cầu tiêm vắc xin phòng bệnh, nâng cao sức khỏe cho hàng triệu gia đình Việt.
Hệ thống Phòng khám Quốc tế CarePlus – địa chỉ chủng ngừa uy tín tại TP.HCM được nhiều người tin tưởng lựa chọn
Có thể thấy rằng, việc tiêm phòng vắc xin trước khi mang thai là việc làm rất cần thiết, giúp đảm bảo sức khỏe cho mẹ và thai nhi. Hy vọng qua bài viết này đã giúp mẹ có được những thông tin hữu ích về các mũi vắc xin cần thực hiện, nắm rõ lịch tiêm chủng ngừa hợp lý và ghi lại cho mình địa điểm tiêm phòng uy tín hàng đầu tại TP.HCM nhé.
Bài viết liên quan: Phụ nữ cần tiêm trước khi mang thai các loại vacxin nào?