Rau tần ô còn có các tên gọi khác như rau cải cúc, rau cúc, đồng cao, xuân cúc. Loại rau này được sử dụng rất nhiều trong bữa ăn hằng ngày của người Việt từ Bắc vào Nam. Tần ô là cách gọi của người miền Nam, còn ở miền Trung và miền Bắc, loại rau này thường được gọi là rau cải cúc.
Theo tìm hiểu củaBlogdinhduong.edu.vn, tần ô hay rau cải cúc có nguồn gốc từ Địa Trung Hải và khu vực Đông Á. Với đặc tính vị ngọt nhạt, hơi đắng, có tính mát và có mùi thơm đặc trưng, tần ô còn được dùng như một loại thuốc trong Đông Y. Bài viết sau Ban biên tập sẽ giới thiệu chi tiết hơn công dụng, cách chế biến và cả cách trồng về loại rau này đến bạn đọc.
1. Rau tần ô có tác dụng gì?
Theo Đông Y, rau tần ô có thể giúp tiêu hóa tốt, trừ đờm, giúp ngủ ngon, ngoài ra còn hỗ trợ chữa trị một số bệnh lý khác. Bên cạnh đó, tần ô còn chứa nhiều chất chống oxy hóa, làm giảm nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch , giúp da tăng sự đàn hồi, tươi trẻ và sáng bóng.
1.1. 3 lợi ích phổ biến của rau tần ô với sức khỏe
Nhiều người dùng tần ô để giảm cân, hỗ trợ hệ tiêu hóa cũng như tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Dưới đây là những lợi ích của loại rau này đối với sức khỏe.
1.1.1. Hỗ trợ giảm cân
- Trong rau cải cúc chứa một loại chất có tên là axit chlorogenic. Chất này giúp làm chậm quá trình giải phóng glucose vào máu sau bữa ăn nên hỗ trợ giảm cân rất tốt.
- Rau cải cúc chứa rất ít calo và nhiều chất xơ, chính vì vậy khi nạp vào cơ thể sẽ tạo cảm giác no lâu, hạn chế cảm giác thèm ăn. Chính điều này, tần ô là thực phẩm giúp giảm cân một cách lành mạnh.
1.1.2. Tốt cho hệ tiêu hóa, lợi tiểu
- Nhờ hàm lượng chất xơ dồi dào nên loại rau này giúp cho hệ tiêu hóa làm việc khỏe mạnh, phòng ngừa chứng táo bón hiệu quả. Đặc biệt phụ nữ đang mang thai nếu sử dụng hợp lý sẽ giúp cải thiện chứng táo bón khi mang thai rất hiệu quả.
- Trong tần ô chứa nhiều axit amin, khoáng chất và các loại vitamin giúp điều hòa quá trình trao đổi chất, giảm phù nề và lợi tiểu tốt.
1.1.3. Cung cấp nhiều kali, chất chống oxy hóa cho cơ thể
- Nghiên cứu đã chứng minh lượng kali có trong rau cải cúc nhiều hơn 30% so với chuối nếu có khẩu phần tương tự. Kali là khoáng chất quan trọng cần được bổ sung để giúp cơ thể chống lại đột quỵ , huyết áp cao , giúp cơ bắp hoạt động trơn tru.
- Trong rau cải cúc chứa nhiều chất chống oxy hóa có lợi cho cơ thể giúp chống lại các gốc tự do có hại cho cơ thể, như axit chlorogenic, flavonoid… Đặc biệt hàm lượng vitamin A có trong tần ô còn giúp giảm nguy cơ ung thư phổi hiệu quả.
1.2. 7 tác dụng của rau cải cúc dùng trong chữa bệnh
Ngoài các lợi ích đối với sức khỏe, rau tần ô còn là vị thuốc quý trong Đông Y. Dưới đây là một số tác dụng chữa bệnh của loại rau này.
1.2.1. Chữa ho dai dẳng ở người lớn do cảm lạnh
Nhờ tính mát, vị ngọt đắng, hơi the, rau cải cúc có thể dùng để chữa ho dai dẳng ở người lớn do cảm lạnh . Cách làm bằng cách kết hơp 100 gram cải cúc với 50 gram phổi lợn thái miếng để nấu canh ăn cả nước lẫn cái, duy trì ăn trong 3 – 4 ngày.
1.2.2. Giải cảm
Bạn đọc có thể dùng rau tần ô nấu cháo ăn nóng để giải cảm hiệu quả. Cách làm đơn giản là dùng khoảng 150 gram rau cúc tươi rửa sạch rồi đổ vào cháo đang sôi khoảng 5 – 10 phút cho rau tái, để nguội và ăn ngày 2 – 3 lần.
1.2.3. Trị hoa mắt
Canh cá diếc nấu cải cúc có thể giúp trị hoa mắt khá hữu hiệu. Bạn đọc dùng con cá diếc tầm 0.5 kg làm sạch rồi bóp sơ với rượu, sau đó chiên vàng. Thêm gừng tươi cắt lát và rau tần ô vào nấu thành canh và ăn trong vòng 10 ngày liên tiến sẽ thấy hiệu quả rõ rệt.
1.2.4. Trị đau đầu kinh niên
Trong trường hợp chữa đau đầu kinh niên, bạn nên dùng cả rễ và nguyên cây tần ô, nếu có cả hoa thì càng tốt. Dùng nấu chín và mỗi ngày uống khoảng 30 gram loại nước này. Kết hợp thêm việc dùng cây cải cúc chườm nóng đỉnh đầu và hai bên thái dương.
Lưu ý: Rau tần ô thường được trồng vào dịp giáp Tết, nếu không ăn hết bạn đọc nhớ nhổ phơi khô cả rễ và nguyên cây để dùng dần cho những dịp trái mùa nhé.
1.2.5. Chữa ít sữa cho những bà mẹ sau sinh
Rau tần ô cũng có tác dụng giúp mẹ sau sinh cải thiện tình trạng mẹ ít sữa cho bé bú. Rau cải cúc rửa sạch, để nguyên cây, nếu già quá bạn có thể tước bỏ phần rễ để mềm hơn khi ăn. Dùng 300 gram tần ô nấu cùng 150 gram thịt heo, 50 gram đậu phộng giã nhỏ. Dùng hấp cách thủy một lớp rau, một lớp thịt và một lớp rau trên cùng. Sử dụng trong vòng 3 – 5 ngày để tăng lượng sữa nhé.
1.2.6. Chữa ho cho trẻ trên một tuổi
Bạn có thể dùng 6 gram cải cúc hấp cách thủy cùng một chút mật ong đến khi ra nước. Cho trẻ uống hằng ngày để giảm ho lành tính. Lưu ý, không dùng bài thuốc này cho trẻ dưới một tuổi.
1.2.7. Giúp hạ huyết áp
Với những người bị huyết áp cao nên bổ sung rau tần ô vào chế độ ăn hằng ngày một cách điều độ. Tinh dầu và axit amin có trong rau tần ô giúp hạ huyết áp hiệu quả. Bạn đọc có thể nấu canh hoặc xào tỏi ăn đều được, ngoài ra có thể ép lấy nước uống, mỗi ngày 50 ml chia làm hai lần uống.
2. Rau tần ô nấu canh gì ngon?
Trong danh sách các món canh ngon thanh mát chắc chắn không thể thiếu canh rau tần ô. Rau tần ô có thể dùng nấu canh suông hoặc kết hợp với cá, thịt đều được. Dưới đây là một số món canh tần ô ngon và tốt cho sức khỏe nhất mà bạn đọc có thể thực hiện tại nhà nha.
2.1. Canh rau tần ô nấu thịt bằm
Chuẩn bị nguyên liệu
- 300 gram tần ô
- 2 tép tỏi
- 2 tép hành tím
- 100 gram thịt heo xay
- Gia vị: dầu ăn, hạt nêm, nước mắm,
Các bước nấu canh tần ô thịt bằm ngon:
- Rau mua về rửa sạch, phần cuống già thì nên tước bỏ xơ để rau được mềm hơn khi ăn.
- Tỏi bóc vỏ, thái lát mỏng rồi dùng dao băm nhỏ. Hành tím bóc vỏ rồi băm nhuyễn.
- Hành lá cắt riêng phần đầu hành xắt nhỏ, phần lá cắt khúc để riêng.
- Thịt băm mang ướp với 1 muỗng cà phê hạt nêm, 1 muỗng cà phê nước mắm, một ít tỏi băm, 1 ít hành tím băm, 1 ít đầu hành băm rồi trộn đều cho thịt được ngấm gia vị.
- Bật bếp phi thơm hành tỏi cùng chút dầu ăn, cho thịt vào chảo xào đến khi thịt săn. Khi thịt đã săn lại thì cho nước vào và đun sôi.
- Khi nước sôi thì vớt bọt và cho rau vào. Dùng muỗng đảo đều đến khi rau vừa chín tới, nêm nếm lại gia vị cho vừa khẩu vị gia đình. Khi nước vừa sôi lại thì tắt bếp, múc canh ra tô và ăn khi còn nóng.
2.2. Canh rau tần ô nấu tôm
Chuẩn bị nguyên liệu:
- 200 gram tôm đã làm sạch vỏ
- 400 gram tần ô
- 1 nhúm hành lá
- Gia vị: đường, muối, bột ngọt.
Cách nấu tần ô với tôm ngon:
- Bắc lên bếp một lượng nước vừa đủ dùng cho bữa ăn. Tùy khẩu vị gia đình mà bạn đọc có thể cho nhiều nước hoặc ít nước.
- Khi nước đã sôi lăn tăn, bắt đầu có bọt khí thì bạn đọc cho tôm vào, nêm nếm gia vị gồm muối, đường vừa ăn. Khi tôm sôi thì vớt bọt ra ngoài rồi cho rau vào.
- Dùng đũa đảo đều rau, đun cho nồi canh sôi lại rồi tắt bếp. Vì tần ô rất nhanh chín nên bạn đọc cần lưu ý thời gian nấu để rau không bị nát, vẫn đảm bảo được dưỡng chất nhé.
3. Cách trồng rau tần ô tại nhà
Rau tần ô khá dễ trồng và thích nghi tốt với các điều kiện thời tiết khác nhau. Ở miền Bắc và miền Trung, loại rau này thường được trồng vào vụ Đông Xuân. Rau có thể trồng trên mảnh đất diện tích lớn hoặc trong thùng xốp đều được. Nếu muốn trồng rau tại nhà bạn đọc thực hiện theo các bước sau nha.
Bước 1: Xới đất trồng rau
Trước khi gieo hạt, bạn cần làm cỏ, xới cho đất được tơi xốp. Trước khi gieo hạt giống 10 ngày thì nên bón lót các loại phân hữu cơ hoặc phân chuồng để hạt dễ nảy mầm. Đồng thời làm đất lên luống cao khoảng 15 – 20 cm.
Bước 2: Ngâm hạt tần ô
Ngâm hạt tần ô sẽ giúp hạt nhanh nảy mầm hơn. Bạn có thể ngâm hạt giống vào nước ấm khoảng 30 – 40°C khoảng 5- 6 tiếng, sau đó vớt hạt ra rửa lại bằng nước sạch rồi để thật ráo. Có thể bỏ qua bước này cũng được nhưng như vậy hạt rau sẽ lâu nảy mầm hơn.
Bước 3: Gieo hạt tần ô
Nếu muốn thẳng hàng để luống rau trông đẹp hơn, bạn có thể dùng tay rạch từng hàng thẳng để gieo hạt. Nếu không muốn mất thời gian, bạn có thể rải đều hạt giống lên bề mặt đất.
Có thể dùng rơm rạ hoặc bạt plastic để giữ ẩm và tránh nắng cho hạt mọc mầm nhanh. Tiến hành tưới nước 1 ngày 2 lần vào buổi sáng và chiều mát trong 1 tuần đầu.
Rau khi gieo được 2 tuần sẽ mọc cây con có 2 – 3 lá. Nếu rau mọc quá dày bạn có thể tiến hành tỉa bớt cây con, mật độ rau trồng quá dày sẽ khiến cây phát triển không tốt.
Bước 4: Thu hoạch
Tần ô thu hoạch chỉ trong khoảng 30 – 40 ngày sau khi gieo hạt. Hoặc bạn đọc có thể thu hoạch khi còn non ở thời gian từ 25 – 30 ngày.
4. Một số lưu ý khi sử dụng rau tần ô tại nhà
Tuy chứa nhiều dinh dưỡng và có tác dụng chữa bệnh, nhưng việc sử dụng rau tần ô không đúng liều lượng sẽ gây phản tác dụng và mang lại những tác dụng phụ không mong muốn. Dưới đây là một số lưu ý khi sử dụng loại rau này tại nhà mà bạn đọc cần nắm rõ:
Với những người đang bị tiêu chảy, lạnh bụng hoặc có thể trạng hư hàn nên hạn chế ăn tần ô. Đặc biệt với người đang mắc bệnh tiêu chảy thì không nên ăn vì sẽ làm cho bệnh thêm trầm trọng.
Bài thuốc giảm ho chỉ sử dụng với trẻ trên một tuổi. Những trẻ nhỏ dưới 1 tuổi không nên áp dụng cách làm này.
Như vậy, có thể thấy rau tần ô có rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Hơn thế loại rau này còn là vị thuốc Đông Y quý mà mỗi gia đình nên có trong vườn nhà. Với cách trồng khá đơn giản, bạn đọc chỉ cần chuẩn bị một thùng xốp (nếu ở chung cư) và cho đất, phân bón cùng hạt giống để trồng sử dụng nguồn rau sạch quý giá này nhé!
Đức Lộc