Mì vằn thắn cũng như nhiều món ăn khác đều có câu chuyện và sự thú vị riêng. Điều thú vị này không phải câu chuyện dài dòng xa xôi. Nó nằm ở các phiên bản món ăn, công thức, cách làm, qua các vùng đất khác nhau, văn hóa ẩm thực khác nhau và qua đầu bếp khác nhau trên thế giới. Dù, món ăn này được xem là có xuất phát điểm từ Trung Hoa nhưng cho đến bây giờ, giới hạn không chỉ còn ở riêng đất nước tỉ dân ấy nữa.
1. Về món mì vằn thắn
1.1. Những nền ẩm thực có mì vằn thắn là món ăn cực kỳ phổ biến
Chắc chắn bạn cũng biết mì vằn thắn là món ăn rất phổ biến và nổi tiếng của người Hoa. Tuy nhiên, thực tế món ăn này cũng phổ biến không kém ở các vùng đất như Hồng Kông, Indonesia, Malaysia, Singapore. Tại khu vực Đông Nam Á, mì vằn thắn cũng được dùng nhiều không kém các món mì khác ở Thái Lan và ở nước ta nữa.
Theo chân người Hoa hay người gốc Hoa định cư nhiều nơi trên thế giới trong đó có Việt Nam, món mì vằn thắn lan tỏa. Nhờ sự lan tỏa tự nhiên như thế, món ăn này bây giờ được biết ngày càng nhiều ở các vùng đất khác nhau.
1.2. Mì vằn thắn có phải là mì hoành thánh?
Đề cập đến mì vằn thắn hẳn bạn cũng có đôi chút băn khoăn, vậy mì vằn thắn liệu có phải là mì hoành thánh không?
Đúng vậy, đây là 2 tên gọi của một món ăn có các thành phần chính là mì tươi, vằn thắn còn gọi là hoành thánh và rau cải thìa. Món ăn có thể được phục vụ là món nước nóng hổi, hay là món khô có nước xúp và cái riêng.
Trong món mì vằn thắn, nước dùng nguyên bản được nấu từ cá khô hoặc có bột cá, mì là mì tươi. Hoành thánh trong món mì ncó thể là hoành thánh hấp/ nấu hoặc hoành thánh chiên .
Rau dùng cùng mì vằn thắn thường là rau cải thìa. Bát mì hay nước mì sẽ có thêm ít hẹ. Một số phiên bản có thêm thịt xá xíu , tôm, thêm các loại rau củ khác nhau không chỉ giới hạn ở một loại rau là cải thìa.
Tất cả các nguyên liệu trong bát mì vằn thắn được kết hợp hài hòa, cân đối, thanh vị. Khi thưởng thức, chúng ta cảm nhận vị ngon nhẹ nhàng nhưng không kém phần đặc trưng và không lẫn với vị bất kỳ món mì nào khác.
1.3. Tại sao bát mì vằn thắn của bạn luôn có chiếc thìa?
Có một điểm cực kỳ thú vị liên quan đến mì vằn thắn nước nóng hổi là, bát mì phục vụ luôn có sẵn chiếc thìa. Bạn sẽ thấy mì thì ở bên trên chiếc thìa này.
Điều này không phải là sự tiện lợi trong phục vụ mà nó có ý nghĩa riêng. Cụ thể là, theo nguyên tắc làm và phục vụ mì vằn thắn, chiếc thìa để trong bát trước rồi mới để mì lên. Làm như thế sẽ giúp giảm nhiệt của nước xúp nóng. Theo đó, mì trong bát sẽ không bị chín mềm quá khi người dùng thưởng thức. Chiếc thìa trong bát mì cũng là đặc điểm giúp người thưởng thức nhận diện bát mì ngon đúng chuẩn, quán mì tuân thủ nguyên tắc truyền thống và kỹ thuật chuẩn bị phục vụ món ăn.
Có thể nói, chiếc thìa trong bát mì vằn thắn là một chi tiết rất nhỏ. Tuy vậy, chi tiết này khi đã biết được, chắc chắn sẽ khiến chúng ta cảm thấy thi vị hơn phải không bạn. Nhất là mỗi khi, ta nhận một bát mì được người phục vụ trao tay hay dọn lên bàn, đã có sẵn chiếc thìa ở bát, ta biết rõ lý do tại sao như thế. Cũng nhờ nó, ta sẽ biết được nơi mình thưởng thức mì này, có phải là đúng chuẩn chưa.
2. Cách làm mì vằn thắn ngon tại nhà
Có nhiều cách nấu mì vằn thắn khác nhau để chúng ta học hỏi và tự chế biến tại nhà. Nếu một hôm nào đó bạn thích tự nấu mì vằn thắn cho gia đình thưởng thức, bạn có thể thử làm theo công thức như dưới đây. Công thức khá dễ thực hiện và cho thành phẩm món ăn không thua vị ngoài hàng quán.
2.1. Nguyên liệu nấu mì vằn thắn
Phần vằn thắn (hoành thánh )
- 250 g tôm tươi đã bóc vỏ
- 250 g thịt heo xay
- 1 thìa canh rượu trắng hoặc vang trắng
- 1 thìa canh nước tương
- 1 thìa canh dầu mè
- 1/2 thìa canh bột bắp
- 1 thìa cà phê tỏi băm
- 1 thìa cà phê gừng băm
- 3 nhánh hành lá, cắt nhỏ
- 1/4 thìa cà phê đường
- 1/4 thìa cà phê tiêu xay
- Lá mì gói vằn thắn (hoành thánh)
Phần nước mì và mì
- 1 nhánh gừng nhỏ, cắt lát
- 2 tép tỏi, đập dập
- 1 cây hành boa rô, cắt khúc
- 2 nhánh hành lá, cắt nhỏ
- 2 tai nấm hương khô nhỏ hoặc 1 tai lớn, rửa sạch
- Nước dùng (lượng tùy theo người ăn, loại nước dùng xương heo/ gà/ rau củ/ cá khô/ nấm,…tùy ý)
- 2 thìa cà phê nước tương
- 2 thìa cà phê nước mắm
- Rau cải thìa tùy theo lượng người ăn
- Mì trứng/ mì tươi (tùy theo lượng người ăn)
2.2. Cách nấu
2.2.1. Chuẩn bị nhân và gói vằn thắn
- Tôm bóc vỏ bạn băm nhuyễn. Cho vào tô hoặc thố tôm vừa băm, thịt heo xay.
- Thêm các gia vị cho phần nhân gồm 1 thìa canh rượu trắng, 1 thìa canh nước tương, 1 thìa canh dầu mè, 1/2 thìa canh bột bắp, 1 thìa cà phê tỏi băm, 1 thìa cà phê gừng băm, hành lá cắt nhỏ, 1/4 thìa cà phê đường, 1/4 thìa cà phê tiêu xay. Trộn đều cho tới khi nhân đồng nhất.
- Lấy lá mì vằn thắn, cho 1 thìa canh nhân vào giữa, gói lại. Cứ làm như vậy cho đến hết nhân.
2.2.2. Nấu nước dùng, chuẩn bị mì và thưởng thức
- Rau cải thìa bạn nhặt sạch, rửa sạch và chẻ cây rau làm đôi hoặc làm 4 tùy rau to hay nhỏ. Nếu dùng loại nhỏ nhất (baby) bạn để nguyên không chẻ.
- Bắc nồi lên bếp, cho hành boa rô, gừng cắt lát, tỏi đập dập, nấm hương khô rửa sạch vào. Đổ nước dùng vào nồi và nấu sôi vài phút. Nêm gia vị gồm 2 thìa cà phê nước tương, 2 thìa cà phê nước mắm.
- Thả rau cải thìa vào nồi nước dùng, tùy theo độ chín giòn hay mềm bạn căn thời gian rồi vớt rau ra, cho vào tô. Kế đến, bạn cho mì vào, nấu chín tới thì vớt mì ra tô. Lưu ý không nấu mì chín quá bạn nhé.
- Rau và mì đã xong, bạn thả vằn thắn vào nấu chín. Vớt vằn thắn ra cho vào tô mì. Rắc thêm hành lá cắt nhỏ, chút tiêu xay. Nước dùng bạn có thể nêm nếm lại điều chỉnh cho thật vừa vị rồi chan vào tô mì vằn thắn. Lúc này ta thưởng thức thôi, mì vằn thắn nóng hổi, dịu vị, từng chiếc vằn thắn đậm đà ngon không kém quán.
Xem qua các công đoạn nhìn có vẻ nhiều nhưng thực hiện mì vằn thắn thực sự khá đơn giản và dễ dàng. Vậy nên, bạn hãy chuẩn bị nguyên liệu và nấu cho nhà mình thưởng thức nhé. Chắc chắn khi mọi người nếm xong, bạn nhận cơn mưa lời khen đấy.
Cát Lâm