Nắm rõ được chế độ ăn cho người bị gout sẽ giúp bạn xây dựng thực đơn lành mạnh hỗ trợ trong việc ngăn ngừa và điều trị bệnh hiệu quả. Vậy bệnh gout nên kiêng ăn gì và nên ăn gì? Cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây nhé!
1. Bệnh gút là gì? Nguyên nhân và biểu hiện
Bệnh Gút (Goute) là một bệnh rối loạn chuyển hoá có liên quan đến ăn uống do nồng độ axit uric quá cao trong huyết tương dẫn đến lắng đọng các tinh thể urat (muối của axit uric) hoặc tinh thể axit uric. Nếu lắng đọng ở khớp (ở sụn khớp, bao hoạt dịch) làm cho khớp bị viêm, gây đau đớn, lâu dần gây biến dạng, cứng khớp.
Những người bị bệnh gút thường có các triệu chứng như đau đột ngột và dữ dội ở các khớp ngón tay, ngón chân, đầu gối, kèm theo đó là hiện tượng sưng đỏ.
2. Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh gout
Cùng tìm hiểu các nguyên tắc trong chế độ ăn cho người bệnh gout nhằm cải thiện tình trạng bệnh. Cụ thể là:
- Đảm bảo bữa ăn có đủ các chất dinh dưỡng ở tỉ lệ cân đối. Đồng thời có thể điều chỉnh tỷ lệ đạm trong khẩu phần ăn.
- Đảm bảo cân đối giữa các thành phần sinh năng lượng (đạm-béo-đường). Tỉ lệ năng lượng do các thành phần cung cấp nên là: đạm : béo : đường = 12-15% : 18-20% : 65-70 %
- Ăn vừa phải các loại thức ăn chứa nhiều nhân purin: các loại thịt, hải sản, các loại phủ tạng.
- Sử dụng các thực phẩm chứa ít axit uric trong chế biến bữa ăn hàng ngày: ngũ cốc, các loại hạt, bơ, mỡ, trứng, sữa, phomát, rau quả.
- Lượng đường, bột trong khẩu phần (gạo, bột mì, đường, bánh, kẹo) có thể sử dụng với tỉ lệ cao hơn người bình thường một chút.
- Cần có sự lựa chọn và phối hợp nhiều loại thực phẩm đều đặn trong thực đơn hàng ngày.
- Không uống quá nhiều và kéo dài rượu, bia, cà phê.
- Luôn uống đủ nước. Ngoài ra có thể bổ sung các nước có tính kiềm như nước rau, nước khoáng vào thực đơn cho người bị bệnh gout.
3. Bệnh gout nên ăn gì? Những thực phẩm tốt cho bệnh gout
Dưới đây là các thực phẩm cho người bệnh gút mà bạn không nên bỏ qua.
3.1 Các loại cá sông
Thực đơn cho người bệnh gout không thể thiếu các món ăn làm từ cá sông như cá diêu hồng, cá chép,… với hàm lượng chất purin thấp. Ngoài ra, cá sông còn chứa chất đạm có tỷ lệ cân đối giúp chế độ dinh dưỡng cho người bệnh gút được cân bằng và tiếp nhận nguồn dưỡng chất cần thiết cho cơ thể.
3.2 Thịt trắng
Các loại thịt trắng như thịt ức gà, cá là lời giải đáp phù hợp cho câu hỏi bệnh gout nên ăn gì. Bởi trong thịt trắng có hàm lượng protein cao nhưng lại ít purin, đồng thời còn giúp chống lại quá trình kết tủa của axit uric. Trong chế độ dinh dưỡng của bản thân, bạn nên ăn 110 – 17g thịt trắng/ngày để kiểm soát hiệu quả bệnh gút.
3.3 Rau xanh
Rau xanh là thức ăn cho người bệnh gút được nhiều chuyên gia khuyên dùng, bởi những thực phẩm giàu chất xơ có khả năng giảm hấp thu đạm, từ đó giảm sự hình thành của acid uric. Không những thế, ăn nhiều rau còn giúp người bị bệnh gút duy trì cân nặng hợp lý và cung cấp cho cơ thể nhiều loại vitamin và khoáng chất thiết yếu. Chế độ ăn cho người bị gout nên tăng cường các loại rau xanh như bông cải xanh, rau chân vịt, củ cải, bí,…
3.4 Trứng
Trứng là thực phẩm cho người bệnh gút chứa nhiều loại vitamin B quan trọng đối với cơ thể như choline, axit folic và biotin. Theo đó, trong một quả trứng chứa khoảng 100mg choline – Đây là chất giữ cho màng tế bào ổn định, dẫn truyền thần kinh và giảm tình trạng viêm khớp do gút gây ra. Không những thế, Omega-3 dồi dào trong trứng còn có tác dụng giảm đau, viêm khớp và cứng khớp ở người bị gút.
3.5 Đậu phụ, ngũ cốc nguyên hạt
Đậu phụ và ngũ cốc nguyên hạt là những thực phẩm tốt cho bệnh gout. Bởi nguồn protein tự nhiên và lành mạnh trong các loại thực phẩm này giúp duy trì chế độ ăn cân bằng và kiểm soát tình trạng bệnh ở người bị gút.
3.6 Trái cây có múi
Chế độ ăn cho người bị gout nên lựa chọn các loại trái cây có mùi giàu vitamin C, hàm lượng đường fructose thấp như bưởi, cam, dứa,… Bởi vitamin C trong trái cây có thể loại bỏ axit uric trong cơ thể.
3.7 Sữa ít béo
Để có thể xây dựng thực đơn cho người bệnh gout hợp lý và đầy đủ chất dinh dưỡng, bạn có thể bổ sung thêm các loại sữa ít béo. Trong sữa có chứa hàm lượng lớn protein giúp giảm nồng độ axit uric một cách tự nhiên và hiệu quả. Ngoài ra, các loại sữa ít béo còn giúp người bệnh gút duy trì cân nặng ổn định.
3.8 Dầu oliu, dầu thực vật
Bệnh gout nên ăn gì, đó là các loại dầu thực vật chứa các chất béo tốt như dầu oliu, dầu gấc,… Những loại dầu này có tác dụng hỗ trợ chống viêm khớp, giảm lượng axit uric và cải thiện tình trạng sưng đau hiệu quả.
4. Người bị bệnh gút nên kiêng ăn gì?
Trong chế độ ăn cho người bệnh gout, bên cạnh những thực phẩm nên ăn, bạn cũng nên chú ý hạn chế các thực phẩm sau:
- Các món ăn giàu purin: Được chế biến từ nội tạng động vật, thịt bò, tôm, cua, ghẹ, sò, ốc, hến, nấm, măng tây,… Bởi có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút cấp tính.
- Thực phẩm lên men: Vì các loại thực phẩm này có thể làm tăng tốc độ tổng hợp của axit uric. Những thực phẩm lên men, người bị gút nên kiêng là đồ chua, quả chua,….
- Đồ ăn nhiều chất béo, cay nóng: Như các loại thịt mỡ, ớt, tiêu, dầu động vật,… bởi có thể làm tăng các triệu chứng của bệnh gút. Đồng thời có thể làm cho bạn gặp tình trạng thừa cân và các bệnh lý các về tim mạch.
- Thức uống chứa cồn, caffeine: Là loại đồ uống mà người bệnh gút nên loại bỏ hoàn toàn trong chế độ ăn uống của mình. Bởi thức uống có cồn và caffeine có thể làm tăng acid uric trong máu và các cơn co rút cấp.
5. Gợi ý thực đơn cho người bệnh gout
Chế độ ăn cho người bệnh gout cần đáp ứng hàm lượng dinh dưỡng là: Năng lượng 30 – 35 kcal/ngày/mỗi kg cân nặng; Chất đạm 0.8g chất đạm/ngày/mỗi kg cân nặng; Chất béo 18 – 25%/nhu cầu năng lượng trong ngày; Nước 40ml/ngày/mỗi kg cân nặng. Cùng tham khảo thực đơn dành cho người bệnh gout trong 1 tuần dưới đây:
- Thứ 2 – 4 – 6:
- Buổi sáng: Phở thịt bò/thịt gà: 150g bánh phở, 35g thịt bò (thịt gà), nước dùng (1g muối/100ml nước).
- Buổi trưa: 2 bát cơm gạo tẻ (100g gạo), cá diêu hồng sốt cà (50g cá), đậu chiên (3ml dầu thực vật, 20g đậu), su su luộc (200g su su), canh cải xanh (50g cải xanh), 150g vải thiều.
- Buổi tối: 150g cơm gạo tẻ (75g gạo), cá rô phi chiên giòn (50g cá, 5ml dầu thực vật), ổ qua xào trứng (200g ổ qua, 20g trứng gà, 7ml dầu thực vật), canh rau ngót, 150g dưa hấu.
- Thứ 3 – 5 – 7:
- Buổi sáng: Bún riêu cua: 180g bún, 100g đậu hũ, 30g cua đồng, 30g cà chua, 5g hành lá, nước dùng (1g muối/100ml nước).
- Buổi trưa: 2 bát cơm gạo tẻ (100g gạo), thịt heo viên chiên (70g thịt nạc vai, 7ml dầu thực vật), cải bắp luộc (200g cải bắp), canh bí xanh (50g bí xanh), nửa quả cam.
- Buổi tối: 150g cơm gạo tẻ, cá chép chiên sốt cà (70g cá chép, 25g cà chua, 7ml dầu thực vật), đậu phộng rang (10g đậu), bầu luộc (200g bầu), canh mồng tơi (50g mồng tơi), 3 múi bưởi.
- Chủ nhật:
- Buổi sáng: Xôi đậu phộng: 50g gạo nếp, 10g đậu phộng, 3g mè.
- Buổi trưa: 2 bát cơm gạo tẻ (100g gạo), thịt bò xào hành tây (50g thịt bò nạc, 50g hành tây, 7ml dầu thực vật), cá bống kho tộ (20g cá bống), bông cải xanh luộc (200g bông cải), canh bí xanh (50g bí xanh), 100g xoài chín.
- Buổi tối: 150g cơm gạo tẻ, tôm biển hấp sả (tôm biển 50g, 1 tép sả), trứng hấp thịt (10g thịt nạc vai, nửa quả trứng, 3ml dầu thực vật), cải bắp xào (200g cải xoong, 7ml dầu thực vật), canh rau cải (50g rau cải), 100g lựu.
Trên đây là toàn bộ những thông tin về chế độ ăn cho người bị gout mà bạn có thể tham khảo. Mong rằng qua bài viết này bạn đã có thể nắm được người bị bệnh gout nên ăn gì và kiêng gì nhằm hỗ trợ trong việc điều trị và ngăn ngừa tình trạng bệnh.