Cách nấu thạch dừa từ thạch dừa thô cực kì đơn giản mà lại đảm bảo thơm ngon, giá thành lại rẻ. Thạch dừa là một món giải khát cực kỳ ngon vào những ngày hè nóng nực. Nếu bạn sợ mua ngoài hàng không đảm bảo chất lượng, bạn có thể tham khảo những công thức làm thạch dừa thơm ngon tại nhà màBlogdinhduong.edu.vn sẽ giới thiệu cùng bạn dưới đây.
1. Cách nấu thạch dừa lá dứa đường phèn
1.1. Nguyên liệu
- 50g thạch dừa thô (làm được 1kg thạch dừa)
- Nước sôi để nguội
- Đường phèn, lá dứa
1.2. Cách nấu thạch dừa lá dứa đường phèn
Bước 1
- Ngâm thạch dừa thô vào nước, rửa nhiều lần với nước đế hết mùi và vị chua (có mùi vị chua là do quá trình lên men của nước dừa già). Vừa rửa vừa bóp 6 đến 7 lần. Sau đó ngâm thạch thô trong khoảng 3 tiếng.
- Lấy ra rửa sạch, tiếp tục ngâm tiếp 30 phút rồi rửa sạch. Đến khi thấy thạch nở căng như thạch dừa đóng gói ở siêu thị thì tiếp tục làm bước sau. Nếu bạn thấy thạch vẫn chưa nở hết thì tiếp tục ngâm thêm 1 tiếng.
Bước 2
- Trụng phần thạch dừa thô đã nở đều qua nước sôi và rửa sạch.Thạch ngậm đủ nước sẽ nở to và không còn mùi chua. Nếu thạch vẫn còn mùi chua nhẹ vẫn không sao.
- Bạn nên vắt bớt một phần nước trong thạnh sau khi trụng qua để khi cho vào nồi nước đường, thạch dừa có thể thấm nhiều nước đường.
Lưu ý: Các công đoạn rửa và ngâm thạch dừa ở bước 1 và bước 2 phải dùng nước sôi để nguội. Vì thạch thô nở ra nhờ ngậm nước và đó là nước trong thạch dừa mà chúng ta ăn.
Bước 3
- Cho đường phèn vào nồi nấu với một ít nước, lượng đường bạn cho vào tùy vào khẩu vị của gia đình bạn. Nấu nước đường với lửa nhỏ đến khi đường tan hoàn toàn, cho phần thạch vào nấu thêm khoảng 20 phút rồi tắt bếp.
- Khi thạch dừa đã nguội, bạn có thể cho vào 1 vài giọt dầu dừa vào phần thạch rồi khuấy đều để tăng thêm hương vị. Bảo quản thạch dừa trong hộp kín và để ở ngăn mát tủ lạnh ăn trong vòng 7 đến 10 ngày.
- Bạn cần để thạch dừa nguội hoàn toàn vì thạch dừa nóng ăn sẽ rất dai và không ngon. Nếu bạn muốn ăn ngay có thể ngâm thạch dừa và đá lạnh cho giòn và săn chắc lại.
2. Cách nấu thạch dừa với hạt é, hạt chia
2.1. Nguyên liệu
- 50g thạch dừa thô lên men
- Đường phèn
- 20g hạt é hoặc hạt chia
- 10 lá dứa rửa sạch, thắt nút
2.2. Cách nấu thạch dừa hạt é, hạt chia thanh mát
- Bước 1, bước 2: thực hiện như bước 1,2 đã hướng dẫn ở cách làm trên.
- Bước 3: Rửa sạch hạt é với nước, còn hạt chia thì không cần rửa. Sau đó ngâm hạt chia hoặc hạt é trong bát nước sạch khoảng 10 – 15 phút cho nở.
- Bước 4: Nấu đường phèn với nước lọc, cho đến khi đường tan hoàn toàn cho lá dứa và phần thạch đã nở vào nấu 20 phút. Đến khi nước đường cạn bớt, cho hạt é hoặc hạt chia vào nấu thêm 5 phút rồi tắt bếp.
- Vớt bỏ lá dứa, để thạch nguội và cho thêm 1 vài giọt dầu dừa là bạn đã có thể thưởng thức được rồi.
3. Cách làm thạch dừa nhiều màu
Để món thạch dừa có nhiều màu sắc, bắt mắt các bạn có thể dùng các loại trái cây hoặc màu từ các loại lá, củ quả. Dưới đây là một số công thức tạo màu dễ thực hiện, bạn tham khảo nhé.
3.1. Nguyên liệu
- Thạch dừa thô đã xử lý như bước 1, bước 2 ở công thức trên.
- Đường phèn
- Màu tím: 10 lá cẩm
- Màu đỏ: củ dền hoặc thanh long đỏ
- Màu xanh: 5-7 cánh hoa đậu biếc
3.2. Cách nấu thạch dừa màu xanh với hoa đậu biếc
- Lấy 1 cốc nước nóng cho hoa đậu biếc vào ngâm từ 5 đến 10 phút cho ra màu rồi lọc hết bã ra.
- Nấu nước đường phèn đến khi đường phèn tan, cho phần thạch dừa đã sơ chế vào nấu 20 phút.
- Sau đó cho nước màu hoa đậu biếc vào nấu thêm 5 phút. Là bạn đã có một phần thạch dừa màu xanh với hoa đậu biếc rồi.
3.3. Cách nấu thạch dừa màu tím với lá cẩm
- Nấu lá cẩm với đường phèn, đến khi đường tan hết cho thạch dừa thô vào nấu 20 phút. Bạn sẽ thấy thạch dừa chuyển sang màu tím đẹp mắt.
- Sau đó vớt lá cẩm ra, để nguội thêm một xíu vani hoặc hương liệu dừa.
- Hoặc bạn có thể xay lá cẩm rồi lọc lấy nước cốt. Cho phần nước cốt này vào lúc nấu đường phèn.
3.4. Cách nấu thạch dừa màu đỏ với củ dền hoặc thanh long đỏ
- Bạn có thể dùng củ dền hoặc thanh long đỏ để tạo màu đỏ. Ép hoặc xay lấy nước cốt.
- Tiếp theo, nấu như nấu thạch với hoa đậu biếc. Nấu xong, phần thạch dừa và phần nước có màu đỏ rất bắt mắt và ăn cũng rất ngon.
4. Cách nấu thạch dừa với nước chanh dây
4.1. Nguyên liệu
- Thạch dừa đã sơ chế như công thức trên
- Chanh dây
- Đường phèn
4.2. Cách nấu thạch dừa nước chanh dây
- Chanh dây lọc bỏ hạt chỉ lấy nước.
- Nấu nước đường đến khi đường tan hết, cho thạch vào nấu 20 phút. Sau đó cho nước cốt chanh vào nấu thêm 5 phút.
- Nếu bạn thích cho cả hạt chanh dây, có thể dầm thêm 1 vài trái cho thêm vào phần thạch dừa.
- Để thạch dừa nguội hoàn toàn, bạn cho phần thạch dừa chanh dây vào hộp kín và bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh.
5. Một số lưu ý khi tự nấu thạch dừa từ thạch dừa thô tại nhà
- Khi rửa hoặc ngâm thạch dừa, bạn nên sử dụng nước sôi để nguội hoặc nước sạch. Vì thạch dừa nở do ngậm nước.
- Khi thêm hương liệu vào thạch dừa, không nên cho vào khi thạch còn nóng, tốt nhất là để thạch nguội hẳn hoặc khi còn ấm khoảng 40 độ. Và chỉ cho 1 vài giọt nếu cho nhiều sẽ bị đắng và hắc. Ngoài ra, bạn có thể tạo mùi bằng các loại trái cây.
- Cách bảo quản sau khi nấu xong cũng rất đơn giản, có thể để thạch dừa từ 7 đến 10 này ở ngăn mát tủ lạnh hoặc để được 1 ngày nếu để ở ngoài.
- Không nên nấu nước dừa thay vì nước đường, bởi vì nấu bằng nước dừa sẽ dễ bị chua và cũng không ngon.
- Để thạch dừa ngấm nước đường và ngon hơn bạn nên nấu thạch dừa bằng lửa nhỏ.
- Bạn có thể sáng tạo ra các loại thạch mang những vị khác nhau, màu sắc khác nhau. Chỉ cần áp dụng công thức gốc và sơ chế như các bước trên. Cho thêm thạch dừa như một loại topping vào sữa chua trái cây , chè, sữa tươi, trà sữa, hồng trà ,… cũng rất ngon và hợp vị.
Với những cách nấu thạch dừa đã được giới thiệu ở trên, bạn có thể nấu một món ăn vặt thơm ngon, bổ dưỡng cho cả nhà rồi. Và với món thạch dừa này, bạn có thể làm quà tặng cho bạn bè, người thân vào những ngày hè. Bạn hãy lưu lại những cách làm thạch dừa trên và thực hiện ngay nhé.
Nguyễn Ngọc Yến Vy