Ăn dặm là thời điểm quan trọng giúp trẻ tập ăn các thức ăn đặc hơn sữa mẹ, học nhai, nuốt và hỗ trợ trẻ tập ăn uống độc lập. Đồng thời, hành trình ăn dặm còn giúp trẻ được cung cấp đa dạng dưỡng chất, góp phần xây dựng nền tảng dinh dưỡng và tầm vóc cho con. Vậy trẻ mấy tháng ăn dặm là tốt nhất? Mời mẹ cùng tìm lời giải đáp trong bài viết sau.
1. Ăn dặm là gì?
Ăn dặm hay còn gọi là ăn bổ sung là cho trẻ ăn thêm các nguồn thực phẩm giàu năng lượng và dinh dưỡng khác ngoài sữa mẹ ở dạng mềm hoặc đặc. Tuy nhiên, việc ăn dặm giúp trẻ bổ sung thêm các chất dinh dưỡng chứ không hoàn toàn thay thế được sữa mẹ. Vì vậy, trong thời gian trẻ ăn dặm, mẹ nên tiếp tục cho trẻ bú sữa để giúp con phát triển toàn diện.
Ăn dặm là quá trình giúp trẻ bổ sung thêm nhiều chất dinh dưỡng khác ngoài sữa mẹ, tạo nền tảng để con phát triển tốt hơn.
2. Trẻ bắt đầu ăn dặm từ tháng thứ mấy?
Việc ăn dặm mang đến nhiều lợi ích đối với sự phát triển của trẻ, do vậy 6 tháng tuổi là thời điểm thích hợp để mẹ tập cho con ăn dặm.
Để biết được trẻ đã sẵn sàng ăn dặm hay chưa, mẹ có thể dựa vào các dấu hiệu sau đây:
-
- Trẻ có thể tự ngồi hoặc ngẩng cao đầu (không cần hỗ trợ).
- Con thích nhìn người khác ăn và đòi được ăn.
- Hay đưa đồ vào trong miệng.
- Có thể mở miệng nhận đồ ăn, biết điều chỉnh lưỡi để di chuyển thức ăn trong miệng.
- Bé có thể nhai và nuốt được thức ăn.
- Nhìn bé như rất đói dù đã được bú đủ cữ trong ngày.
Vì sao không nên cho trẻ ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn?
Việc cho trẻ ăn dặm quá sớm có thể khiến con gặp khó khăn khi tiêu hóa và hấp thu thức ăn, do hệ tiêu hóa chưa phát triển hoàn thiện để tiêu hóa dưỡng chất ngoài sữa mẹ. Cùng với đó, ăn dặm sớm có thể khiến trẻ giảm bú mẹ, không hấp thu đủ chất dinh dưỡng đồng thời trẻ còn có thể gặp phải nguy cơ hóc thức ăn.
Trong khi đó, ăn dặm quá muộn có thể làm trẻ kém hấp thu dưỡng chất mà sữa mẹ không thể đáp ứng trong giai đoạn này, đơn cử như chất sắt. Điều này dẫn đến tình trạng trẻ chậm phát triển và có nguy cơ bị suy dinh dưỡng.
3. Nguyên tắc ăn dặm cho bé
Sau khi có lời giải đáp cho câu hỏi trẻ mấy tháng ăn dặm, mẹ đừng bỏ qua nguyên tắc ăn dặm cho bé dưới đây nhằm giúp con hấp thu chất dinh dưỡng tốt nhất. Cụ thể là:
-
- Cho trẻ ăn dặm đúng theo độ tuổi, không quá sớm hoặc quá muộn. Đồng thời vẫn duy trì cho trẻ bú sữa mẹ.
- Nên cho bé ăn dặm khi nào trong ngày? Mẹ có thể cho trẻ ăn dặm vào giữa buổi sáng hoặc buổi trưa. Bởi đây là thời điểm trẻ không quá đói hoặc quá no.
- Tập cho con quen dần với thức ăn mới bằng cách chế biến đồ ăn từ loãng đến đặc, từ ít đến nhiều.
- Số lượng bữa ăn và thức ăn tăng theo độ tuổi của bé.
- Thức ăn dặm cần được chế biến mềm, dễ nhai nuốt. Đồng thời có màu sắc bắt mắt, hợp khẩu vị trẻ giúp kích thích con ăn được nhiều hơn.
- Thêm dầu cho trẻ ăn dặm như dầu gấc, vừng, đậu phộng,… giúp món ăn dặm hấp dẫn, béo và cung cấp thêm năng lượng cho con.
- Tập cho con thói quen tập trung ăn uống, từ đó giúp bé học cách nhận biết khi nào no.
- Dụng cụ nấu nướng và cho bé ăn cần được rửa sạch (co thể tiệt trùng) trước khi chế biến và cho trẻ ăn.
- Trước thời gian ăn dặm, không cho trẻ ăn bánh, kẹo, sữa chua,… vì có thể khiến bé no và ăn ít đi.
- Bé cần thời gian để làm quen, vì vậy cha mẹ cần phải kiên nhẫn, động viên và tạo bầu không khí thoải mái khi bé ăn dặm.
- Chỉ cho trẻ ăn đúng nhu cầu, không ép con ăn khi bé không muốn.
Trong thời gian đầu tập ăn dặm cho trẻ, mẹ nên cho con bắt đầu với lượng nhỏ thức ăn dạng lỏng.
4. Các lưu ý khi cho trẻ ăn dặm
Để trẻ ăn dặm đúng cách, mẹ không nên bỏ qua các lưu ý khi tập cho trẻ ăn dặm dưới đây:
-
- Không nêm gia vị vào thức ăn.
- Cho trẻ ăn đa dạng thực phẩm, tránh chỉ cho con ăn cháo với nước thịt, nước hầm xương.
- Không nên cho trẻ ăn dặm với các loại thực phẩm như mật ong, sữa bò tươi, thực phẩm cứng như nho, chôm chôm, vải, kẹo ngọt, xúc xích,…
- Mỡ, xương, da của thịt, cá nên được loại bỏ sạch trước khi chế biến.
- Thời gian tập cho trẻ ăn thức ăn loãng không quá 2 tuần.
- Rửa sạch tay và dụng cụ nấu ăn trước khi chế biến cho trẻ.
- Hạn chế các thức ăn dị ứng trong thực đơn của trẻ. Để biết trẻ có dị ứng hay không, mẹ có thể cho con ăn thực phẩm đó trong 2 – 3 bữa để theo dõi tình trạng của bé.
- Cân đối các chất dinh dưỡng của trẻ, tránh việc cho bé ăn nhiều chất đạm, tinh bột, ít chất xơ.
- Mẹ không nên nấu cháo một lần và cho trẻ ăn cả ngày, vì lượng dưỡng chất trong thức ăn có thể bị giảm hoặc mất đi.
- Tùy thuộc vào loại thực phẩm mà mẹ nên xay nhuyễn hay không, bởi xay nhuyễn mọi thức ăn có thể khiến con không tập nhai được.
Bên cạnh vệ sinh tay, dụng cụ nấu ăn, mẹ cũng nên vệ sinh phòng bếp nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe của bé.
5. Thực đơn ăn dặm cho bé
Thực đơn ăn dặm hàng ngày cho trẻ nên được cân đối và đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng gồm chất béo, chất đạm, chất xơ, vitamin và khoáng chất. Mẹ có thể nấu cháo, bột yến mạch, ngũ cốc,… kết hợp cùng với rau của quả và các loại thịt với hương vị thơm ngon giúp kích thích cảm giác thèm ăn cho bé.
>> Xem thêm: Thực đơn ăn dặm hàng ngày cho bé 6 – 12 tháng tuổi chi tiết
Trên đây là những thông tin giúp các mẹ giải đáp được thắc mắc xoay quanh vấn đề trẻ mấy tháng ăn dặm được. Cùng với đó là các nguyên tắc ăn dặm cho bé và một vài lưu ý liên quan. Mong rằng, bài viết này giúp mẹ tích lũy thêm nhiều thông tin bổ ích, từ đó có thể tập cho trẻ ăn dặm đúng cách để phát triển khỏe mạnh.