Nấm đông cô hay nấm hương là loại nấm xuất hiện nhiều trong ẩm thực của Châu Á, trong đó có Việt Nam nhờ vị ngọt tươi, dai cùng với hương thơm đặc trưng, cuốn hút. Không những thế, loại nấm này còn là một dược liệu chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe. Vậy tác dụng của nấm hương là gì? Tìm lời giải đáp trong bài viết dưới đây nhé!
1. Đặc điểm của nấm đông cô
Nấm đông cô có nguồn gốc từ Trung Quốc mọc hoang nhiều ở Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Người Trung Quốc gọi là Dong-Gu (phiên âm tiếng Việt là đông cô), người Nhật gọi Shiitake.
Nấm đông cô có dạng như cái ô, đường kính 4-10 cm, khi trưởng thành có màu nâu sậm. Trên mặt nấm có những vảy nhỏ màu trắng. Thịt nấm màu trắng, cuống hình trụ. Nấm mọc ký sinh trên những cây có lá to và thay lá mỗi mùa như dẻ, sồi, phong.
Nấm đông cô chứa khá nhiều đạm và đặc biệt giàu khoáng chất, vitamin, chẳng hạn như vitamin C, B, tiền vitamin D, canxi, Niacin, nhôm, sắt, magie… Nó có khoảng 30 enzym và các acid amin tối cần cho cơ thể (tức là những acid amin mà cơ thể không tổng hợp được). Nấm cũng có một số alcool hữu cơ mà khi nấu chín sẽ biến đổi và tạo thành mùi thơm đặc trưng. Vì Shiitake có chứa nhiều chất cần thiết cho cơ thể nên những người ăn chay nên dùng thường xuyên loại nấm này.
2. Nấm hương và nấm đông cô có giống nhau không? Cách nhận biết
Nấm hương và nấm đông cô được bày bán trên thị trường hiện nay là cùng một loại. Được biết, loại nấm này có 2 tên gọi như vậy là vì hương thơm đặc trưng và thói quen gọi tên từ lâu đời của người Việt. Loại nấm này có tên khoa học là Lentinula edodes hay Agaricus edodes, thuộc họ Pleurotaceae.
Hiện nay, mọi người thường sử dụng hai loại nấm hương là tươi và khô với giá trị dinh dưỡng và vị ngon tương đương nhau. Cùng tìm hiểu cách nhận biết chi tiết dưới đây:
– Cách nhận biết nấm hương (nấm đông cô) tươi:
- Mũ nấm lớn khoảng 5-20 cm; màu nâu vàng, nâu xám, nâu đậm, co hình cong; mũ và thân mọc chắc liền nhau.
- Dưới mũ: trắng nhạt, hơi vàng nâu, mọc tròn và có dạng răng cưa.
- Thân: vàng nâu, mọc xéo qua một bên hoặc nằm ở trung tâm.
- Thịt nấm: từ trắng đến có màu vàng lạt.
- Mùa nấm: quanh năm trồng nấm trên thân cây
- Mùi vị: thơm, giống như hành.
– Cách nhận biết nấm hương khô chất lượng:
- Màu sắc bên trong: Có màu vàng, nâu hoặc trắng vàng đồng đều.
- Màu sắc mũ nấm: Với màu nâu sáng.
- Hình dạng nấm: Tổng thể hoàn chỉnh như nấm tươi, sờ vào thấy mịn với phần mũ nấm đầy đặn.
- Thân: Ngắn, to và dày khi sờ vào không bị gãy.
- Mùi hương: Đậm mùi đặc trưng của nấm hương.
- Độ khô: Vừa phải, khi bóp vào không bị nát, vỡ.
3. Giá trị dinh dưỡng của nấm hương
Trong 100g nấm hương có 34kcal, 6,79g carbohydrate, 2,24g chất đạm, vitamin B1, B2, B3, B5, B6, magie, canxi, photpho, kali,… Cùng với đó, loại nấm này còn chứa lipid, amino axit, seterol,… Với hàm lượng dinh dưỡng cao như vậy, nấm đông cô có tác dụng gì?
3.1 Cung cấp vitamin nhóm B dồi dào, giúp giảm căng thẳng
Nấm đông cô là nguồn cung cấp vitamin B phức hợp dồi dào, có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa thức ăn thành năng lượng cần thiết cho hoạt động hàng ngày. Chưa kể, vitamin B còn là chất tham gia vào quá trình sản xuất hồng cầu và phát triển tế bào, từ đó ngăn ngừa tình trạng thiếu máu. Ngoài những chức năng trên, vitamin B còn hỗ trợ giảm dấu hiệu căng thẳng, lo âu bằng cách giảm mức homocysteine.
3.2 Có chất d-Eritadenine tốt cho tim mạch
Chất d-Eritadenine hay còn gọi lentsine (viết tắt là DEA) giúp làm giảm lượng cholesterol trong máu. Việc thường xuyên ăn nấm hương giúp giảm quá trình sản xuất chất béo trong gan và lượng mảng bám trên thành động mạch, giúp bảo vệ các mạch máu.
3.3 Bổ sung Lentinan, phòng ngừa các bệnh ung thư
Lentinan có trong nấm đông cô là một hợp chất nổi bật có khả năng ức chế enzyme cytochrome P450 1A, tác nhân gây viêm và bệnh ung thư. Chất này còn có khả năng kích hoạt hệ thống miễn dịch, từ đó ngăn cản tế bào ung thư vú phát triển. Đặc biệt, theo các nghiên cứu, trong loại nấm này còn chứa alpha-glucan (Hexoza) có vai trò chống lại các khối u gây ung thư (đặc biệt là ung thư cổ tử cung).
3.4 Giàu chất xơ hỗ trợ hoạt động tiêu hóa
Nấm hương là sản phẩm giàu chất xơ, nước và ít calo giúp đảm bảo hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Đặc biệt, chất xơ giúp hỗ trợ hoạt động nhu động ruột, từ đó đi ngoài dễ dàng và hạn chế tình trạng táo bón.
3.5 Chứa nhiều axit amin thiết yếu, giúp cơ thể tăng trưởng khỏe mạnh
Trong nấm hương có chứa nhiều loại axit amin quan trọng trong việc hỗ trợ cơ thể tăng sức đề kháng, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để cơ thể phát triển khỏe mạnh. Trong đó phải kể đến hợp chất polysaccharide có những tác động tích cực đến hệ miễn dịch của cơ thể và giảm dấu hiệu của các bệnh liên quan đến vấn đề này.
3.6 Chứa vitamin D hỗ trợ phát triển xương – răng
Khi nhắc đến nấm đông cô có tác dụng gì, chúng ta không thể bỏ qua vai trò của loại nấm này trong việc hỗ trợ sức khỏe xương, răng. Đặc biệt, khi ăn nấm đông cô tươi, bạn sẽ được cung cấp lượng vitamin D2 dồi dào nhờ sự chuyển hóa của chất ergosterol khi gặp tia UV. Loại vitamin này giúp hỗ trợ xương chắc khỏe, hạn chế nguy cơ còi xương, đa xơ cứng và viêm khớp dạng thấp.
4. Hướng dẫn chế biến nấm hương đông cô đúng cách
Để có thể hấp thu được các dưỡng chất tốt nhất trong nấm đông cô, bạn đừng bỏ qua hướng dẫn chế biến chi tiết sau đây:
4.1 Cách sơ chế đúng chuẩn
Trước khi chế biến nấm hương, bạn cần sơ chế nguyên liệu như sau:
- Đối với nấm đông cô tươi, bạn nên chọn nấm có màu vàng nâu, thân nhỏ, ngắn và càng non thì càng ngon. Sau đó rửa sơ qua với nước là có thể chế biến.
- Nấm đông cô khô, trước tiên bạn nên rửa nấm để loại bỏ đi đất và các chất bẩn. Sau đó, ngâm với nước khoảng 30 phút trở lên. Khi nấm đã nở và mềm thì vớt ra để nấu.
4.2 Cách chế biến giữ trọn dưỡng chất
Để đảm bảo nấm được giữ trọn vị ngon và chất dinh dưỡng, bạn có thể chế biến theo các cách dưới đây:
- Món xào: Bạn thái nấm đông cô thành lát mỏng. Cho chảo dầu lên bếp, dầu nóng thì xào nấm trong 4 – 5 phút trên lửa lớn thì tắt bếp.
- Món luộc/súp: Nên bỏ nấm đông cô vào sau cùng và nấu trong khoảng 7 phút giúp nấm giữ được dưỡng chất.
- Món nướng: Bạn có thể nướng nấm trong lò vi sóng khoảng 15 phút ở nhiệt độ phù hợp với rau, củ (tùy loại máy).
5. Gợi ý một số món ăn ngon từ nấm đông cô
Bên cạnh những công dụng tuyệt vời, nấm hương còn có vị dai, ngọt thanh kết hợp cùng hương thơm đặc trưng, khi nấu chung với trứng cút, thịt heo, rau,… thì còn gì bằng. Cùng khám phá ngay 5 công thức cực ngon dưới đây:
5.1 Nấm hương kho trứng cút
Món ăn này với nguyên liệu đơn giản nhưng lại mang đến hương vị cực cuốn hút với trứng cút béo ngậy hòa quyện cùng vị ngọt dai của nấm đông cô ăn cực bắt cơm.
Nguyên liệu:
- Nấm đông cô.
- Trứng cút.
- Đường, muối.
- Tiêu.
Cách làm:
- Bước 1: Trứng luộc rồi lột vỏ, rửa lại cho hết dính vỏ trứng, để ráo. Nấm đông cô ngâm mềm. Nếu không có thời gian nhiều để ngâm, các chị rửa sạch nấm rồi ngâm bằng nước đun sôi, nấm sẽ mau mềm.
- Bước 2: Cho dầu ăn vào nồi xào sơ nấm đông cô và trứng cút, nêm nếm muối/bột canh & bột nêm cho ngấm rồi trút ra dĩa.
- Bước 3: Cho một chút dầu ăn lại vào nồi, bỏ đường vào để làm nước kho. Để lửa nhỏ, đến khi đường bắt đầu ngả màu nâu vàng thì đổ nước vào đun. Lưu ý là khi đường đang nóng mà đổ nước vào sẽ rất bắn, nên các chị nên mở hé nắp nồi, rót 1 muỗng lớn nước vào nồi, úp vung lại cho đỡ bắn rồi mới mở vung ra để chế thêm nước vào.
- Bước 4: Trút trứng cút và nấm đông cô đã xào vào nồi nước, bỏ thêm chút tiêu, đun nhỏ lửa cho tới khi mềm, trứng cút thấm màu vàng nâu đẹp là được.
5.2 Nấm đông cô nhồi đậu hũ
Vị ngọt của nấm hòa quyện cùng vị béo thơm của đậu hũ ăn kèm với nước chấm đậm đà khiến bạn không thể cưỡng lại vị ngon.
Nguyên liệu:
- 0.5kg gồm su su. bắp cải, cà rốt(chia lượng đều nhau).
- 15 tai nấm đông cô to đều nhau.
- Nửa chén đậu xanh đãi vỏ nấu chín.
- 1 muỗng bột năng, muối tiêu dầu ăn.
- 100g đậu hũ tươi.
Cách làm:
- Bước 1: Su su, bắp cải, cà rốt, cắt nhỏ nấu với 1 lít nước, hầm nhỏ lửa (lấy khoảng 1 bát làm nước dùng chay).
- Bước 2: Nấm đông cô rửa qua nước lạnh, thả ngâm trong nước ấm nóng cho vừa nở mềm vớt ra để ráo, cắt bỏ cuống rễ, ướp trộn với chút muối, tiêu, 1 muỗng súp dầu ăn. Để nguyên tai nấm.
- Bước 3: Đậu xanh và đậu hũ bóp nhuyễn cùng chút muối, tiêu (có thể cho vào cối giã mịn).
- Bước 4: Sau đó, nhồi hỗn hợp đậu xanh, đậu hũ vào trong lòng mỗi tai nấm, đắp vun cho nổi phồng đẹp mắt. Hấp cách thủy khoảng 10 phút sau khi nước sôi.
5.3 Nấm hương xào cải thìa
Lưu ngay công thức xào nấm hương với cải thìa vừa ngon vừa hấp dẫn dưới đây vào thực đơn ăn chay của mình nhé.
Nguyên liệu:
- 200g nấm đông cô tươi.
- 200g cải thìa.
- 100g cà rốt.
- 30g gừng non.
- 2 thìa cà phê hạt nêm nấm.
- 1 thìa dầu hào chay, đường, súp bột năng.
- 100ml nước dùng nấm.
- 1 thìa cà phê dầu mè.
- 1 thìa súp dầu ăn.
Cách làm:
- Bước 1: Nấm đông cô tươi rửa sạch, cắt khía ở đầu nấm cho đẹp và thấm gia vị. Cải thìa cắt bỏ gốc và lá già, để nguyên cây rửa sạch chẻ đôi. Luộc sơ cải và nấm, vớt ra để ráo. Gừng non gọt vỏ, cắt lát mỏng.
- Bước 2: Bắc chảo lên bếp, cho dầu ăn vào, cho gừng và nấm vào xào 2 phút.
- Bước 3: Cho ít nước dùng nấm, hạt nêm, đường, dầu hào và dầu mè vào chảo xào chung. Tiếp đến, hòa bột năng với ít nước lạnh, cho vào từ từ để tạo độ sệt.
- Bước 4: Xếp cải thìa xào nấm ra đĩa, cho hỗn hợp vừa xào lên, dùng nóng.
5.4 Thịt heo băm nhồi nấm đông cô
Bên cạnh món đậu hũ nhồi nấm hương, bạn còn có thể biến tấu món ăn này với thịt băm tạo nên hương vị tươi mới cho mâm cơm gia đình.
Nguyên liệu:
- 10 tai nấm đông cô khô to và đều.
- 200 gam thịt heo.
- 1 nhúm tôm khô.
- 3 củ năng.
- Ngò thái nhỏ.
- 1 thìa bột bắp.
- 1 thìa rượu nấu ăn.
- 1 thìa đường, nước tương, dầu mè.
- Tiêu.
Cách làm:
- Bước 1: Nấm rửa sạch rồi ngâm với nước ấm. Tiếp đó vớt nấm ra để riêng, còn phần nước ngâm nấm để riêng sử dụng sau.
- Bước 2: Thịt theo và tôm khô rửa sạch băm nhuyễn (xay nhuyễn). Sau đó ướp chung với tỏi và củ năng băm nhỏ, rượu, đường, nước tương, dầu mè và tiêu trong 20 phút.
- Bước 3: Rắc một ít bột mì vào lòng nấm, sau đó cho hỗn hợp tôm thịt vào.
- Bước 4: Đổ nước vào nồi hấp, bắt nồi lên nấu. Đến khi nước sôi thì cho nấm nhồi thịt vào khay hấp khoảng 10 phút.
- Bước 5: Cho nước ngâm nấm vào chảo thêm một ít gia vị và bột bắp nấu chung đến khi hỗn hợp sệt lại thì tắt bếp.
- Bước 6: Lấy nấm ra khỏi nồi hấp rồi rưới nước sốt ở bước 5 lên là hoàn thành.
5.5 Nấm hương kho gừng
Vị ấm nóng của gừng giúp tăng thêm vị ngon bùng nổ của nấm đông cô, kết hợp cùng nước kho gừng thì thơm ngon hết sẩy.
Nguyên liệu:
- 15 tai nấm đông cô khô.
- 500ml nước.
- 2 thìa canh nước tương.
- 1 củ gừng nhỏ đã thái lát.
- 2 thìa canh đường.
- Dầu vừng.
Cách làm:
- Bước 1: Nấm đem đi rửa sạch, rồi ngâm với nước ấm trong 15 phút. Sau đó vớt nấm ra để ráo và bỏ đi phần chân nấm.
- Bước 2: Cho nấm, nước, nước tương, đường và gừng vào nồi nấu trong 40 phút ở lửa nhỏ.
- Bước 3: Nên nếm lại gia vị cho vừa ăn và bắt đầu thưởng thức. Lưu ý, trước khi ăn, bạn cho dầu vừng vào giúp gia tăng hương vị.
Qua bài viết này bạn có thể hiểu thêm về tác dụng của nấm hương – nấm đông cô. Từ đó chế biến nên những món ăn hấp dẫn từ loại nấm này giúp mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe và bữa cơm ngon miệng.