Hủ tiếu khô là món ăn quen thuộc của người dân Nam Bộ nói chung và Sa Đéc (Đồng Tháp) nói riêng. Khác với những món nước khác hủ tiếu khô sẽ được trộn gia vị vừa miệng, kèm theo phần nước dùng. Tin rằng món ăn thơm ngon hấp dẫn này sẽ khiến bạn khó chối từ, cả nhà ăn ngon thích thú.
1.1. Cách làm hủ tiếu khô Sa Đéc
Hủ tiếu khô Sa Đéc nổi tiếng khắp vùng bởi độ ngon đậm vị, nước dùng ngọt xương thơm béo. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận được sợi hủ tiếu dai dai, hành tỏi phi thơm thơm, cùng giá trụng giòn giòn. Đặc biệt quay sang tô súp sẽ thật bổ dưỡng khi có xương hầm, trứng lòng đào đặt biệt. Tất cả khiến thực khách ngất ngây ăn quên lối về.
1.1. Chuẩn bị nguyên liệu
- 300gram hủ tiếu khô Sa Đéc
- 200gram tôm tươi
- 500gram xương heo
- 5 quả trứng gà
- 1 củ cải trắng
- 5 nhánh hành lá
- 1 củ hành tây
- 7 củ hành tím
- 200gram giá đỗ
- 1 ít tỏi phi
- 2 thìa canh tỏi băm
- Gia vị: Nước mắm, hạt nêm, đường, hắc xì dầu, muối, dầu hào
1.2. Các bước thực hiện
Bước 1: Hấp trứng lòng đào
- Lấy xửng hấp bỏ vào 3 cái chén. Mỗi chén rót vào 4 thìa canh nước lọc. Sau đó đậy nấp nồi nấu đến khi nước phía dưới sôi lên.
- Sau đó bạn dở nắp xửng ra đập vào mỗi chén 1 quả trứng gà đậy nắp hấp trong vòng 4 phút.
- Sau 4 phút lấy trứng lòng đào ra để nguội bớt. Sau đó lấy cây xới cơm lấy trứng lòng đào ra ngâm vào nước lạnh khi nào ăn thì vớt ra.
Bước 2: Sơ chế nguyên liệu khác
- Củ cải trắng gọt vỏ, rửa sạch, thái khúc vừa phải.
- Hành tây bóc vỏ, rửa sạch, thái sợi.
- Hành tím bóc vỏ, rửa sạch, thái làm 3 khúc. Hành lá rửa sạch, cắt đầu hành để riêng. Lá hành thái nhỏ.
- Xương heo ngâm nước muối loãng, rửa sạch, chần sơ khử mùi hôi. Sau đó vớt ra rửa sạch, để ráo nước.
Bước 3: Nấu nước dùng
Bắc nồi lên bếp cho vào 2 thìa canh dầu ăn. Dầu nóng bỏ đầu hành lá, ít hành tây, hành tím vào phi thơm dậy mùi. Kế đến đổ vào 2 lít nước đun sôi rồi hạ lửa nhỏ . Đổ củ cải trắng và xương heo vào ninh.
Nước súp sôi nêm nếm 1/2 thìa canh hạt nêm, 1 thìa canh đường, 1/3 thìa canh muối. Nấu đến khi thấy độ mềm của xương vừa đủ thì nêm nếm lại cho vừa miệng là được.
Bước 4: Làm nước sốt trộn miến
Cho vào chén 2 thìa canh tỏi, 2 thìa canh nước mắm, 3 thìa vanh hắc xì dầu, 2 thìa canh dầu hào, 5 thìa canh nước lọc, 3 thìa canh đường, 1/3 thìa canh tiêu. Khuấy đều cho gia vị tan đều.
Bắc chảo lên bếp bật lửa nhỏ vừa đổ nước sốt vừa trộn vào sên. Đảo đều đến khi sốt sánh sệt lại thì tắt bếp.
Bước 5: Hoàn thành hủ tiếu khô
- Bắc nồi nước sôi lên bếp cho hết hủ tiếu vào trụng. Khi hủ tiếu mềm bạn vớt chúng ra, để ráo.
- Nước trụng hủ tiếu bỏ tôm vào luộc. Tôm chín vớt ra bóc vỏ.
- Bỏ hủ tiếu vào tô rưới lên ít nước sốt lên trộn đều. Sau đó bạn trụng giá cho vào tô. Để lên vài con tôm luộc, rắc ít hành ngò, tỏi phi, tiêu xay.
- Múc súp xương ra chén, bỏ vào 1 trứng lòng đào, rắc lên ít hành tiêu là có thể thường thức.
Cách làm hủ tiếu khô sẽ mất nhiều thời gian hơn các món ăn khác. Đổi lại món ăn sẽ mang đến hương vị thơm ngon, đậm đà khiến cả nhà say mê. Vào những ngày cuối tuần, nghỉ lễ bạn có thể thực hiện cách nấu hủ tiếu này chiêu đãi cả nhà. Không cần phải đi đâu xa bạn cũng sẽ thưởng thức được món hủ tiếu khô Sa Đéc ngon “nứt vách”.
2. Cách làm hủ tiếu khô chay
Cũng giống như các món bún , hủ tiếu là món ăn phụ nhưng lại được người Việt vô cùng yêu thích. Chính vì thế khi ăn chay mọi người vẫn luôn tìm tòi thực hiện món hủ tiếu khô chay. Cách nấu hủ tiếu chay sẽ có các nguyên liệu rau, củ quả, nấm, chả lụa chay… dưới đây dùng tham khảo nhé!
2.1. Chuẩn bị nguyên liệu
Nguyên liệu nước dùng
- Hủ tiếu khô dai
- 1/2 quả su
- 1/2 củ cà rốt
- 1/2 củ sắn
- 159gram nấm đùi gà nhỏ
- Chả lụa chay
- 3 tai nấm đông cô
- 1/2 củ xá bấu (củ cải trắng muối)
- Hành boa rô
- Gừng
- 50gram rễ ngò
- Gia vị: Đường, muối, hạt nêm
Phần nước sốt trộn
- Nước tương
- Dầu hào chay
- Hạt nêm
- Đường
- Ít đầu hành boa rô thái lát
2.2. Các bước thực hiện
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Cà rốt gọt, su su, củ sắn gọt vỏ, rửa sạch, dùng dao cắt gợn sóng thái chúng thành hình con chì.
- Nấm đông cô ngâm vào nước ấm cho nở mềm, rửa sạch, thái miếng nhỏ. Phần chân nấm cắt nhỏ, để ra chén riêng.
- Nấm đùi gà cắt bỏ chân, ngâm nước muối loãng 5 phút, rửa sạch, để ráo.
- Đầu hành boa rô rửa sạch. Gừng gọt vỏ, thái lát. Rễ ngò rửa sạch nhiều lần, để ráo.
- Xá bấu ngâm nước, rửa sạch nhiều lần cho giã mặn.
Bước 2: Nấu nước dùng
- Bắc nồi nước sôi trên bếp cho cà rốt, su su, củ sắn vào nấu.
- Lấy túi vải mùng cho vào hành boa rô, các lát gừng, rễ ngò, chân nấm đông cô, 1 khúc sá bấu vào cột chặt lại. Sau đó bạn thả chúng vào nồi nước dùng.
- Kế đến bạn cho nấm đông cô, nấm đùi gà vào. Ninh nước dùng trong 30 phút.
- Khi các loại rau củ quả trong lại bạn cho vào 1 thìa canh hạt nêm, 1 thìa cà phê đường, 1 thìa cà phê muối. nấu thêm 5 phút nêm nếm lại vừa miệng thì tắt bếp.
Bước 3: Phi hành boa rô và làm nước sốt trộn
Bắc chảo lên bếp cho vào 100ml dầu ăn. Dầu nóng thả đầu hành boa rô thái mỏng vào phi vàng thơm rồi vớt ra chén.
Kế đến bạn lấy bớt dầu ra chừa lại trong chảo 1 thìa canh dầu ăn. Kế đến bạn cho vào chảo 1 thìa canh dầu hào, 2 thìa canh nước tương khuấy đều. Tiếp theo cho vào 1 thìa canh đường, 1 thìa cà phê hạt nêm khuấy đều. Cho sốt dùng ra chén. (không bật bếp vì chảo còn nóng có thể hòa tan gia vị)
Bước 4: Hoàn thành hủ tiếu khô chay
- Bắc nồi nước sôi lên bếp bỏ hủ tiếu vào vào trụng. Khi thấy hũ tiếu trong lại, mềm ra thì dùng rây lọc vớt chúng lên. Không để quá lâu hủ tiếu sẽ bị bở.
- Bỏ hủ tiếu vào đĩa rưới vào ít nước sốt trộn đều. Xếp lên ít nấm, rau củ quả từ nước dùng. Thêm ít chả lụa chay, boa rô phi, ít ớt, ngò rí.
- Nước lèo múc ra chén rắc thêm ít boa rô phi, ngò rí.
Như vậy bạn đã hoàn thành cách nấu hủ tiếu khô chay thơm ngon, ngọt vị. Món chay mang đến sự thanh mát, giải nhiệt, cung cấp thêm dinh dưỡng. Món chay ngon ít dầu mỡ rất thích hợp để ăn kiêng, giảm cân, phòng ngừa bệnh tật.
Hủ tiếu khô với hai cách làm mặn và chay trên đây cho các bạn tùy thích lựa chọn. Các món ăn đều đảm bảo độ đậm đà, ngọt nước khó cưỡng. Chúng hứa hẹn mang đến bữa ăn ngon miệng và bồi bổ sức khỏe cực tốt.
Ngọc Hân