Đau răng là tình trạng thường gặp, xảy ra ở nhiều đối tượng khác nhau từ trẻ nhỏ đến người lớn tuổi. Tình trạng này kéo dài có thể ảnh hưởng đến khẩu vị ăn uống và chất lượng cuộc sống của người bệnh do không thể nhai nuốt bình thường. Vậy khi đau răng nên ăn gì và kiêng ăn gì để giảm tình đau và hồi phục nhanh chóng? Tìm hiểu chế độ ăn cho người bị đau răng chi tiết trong bài viết dưới đây.
1. Dấu hiệu và nguyên nhân gây đau răng
Đau răng là tình trạng bên trong hoặc xung quanh bề mặt răng có cảm giác ê buốt, nhức âm ỉ hoặc đau dữ dội. Vậy nguyên nhân gây nên đau răng là gì? Dưới đây là một số nguyên nhân bạn có thể tham khảo:
- Răng bị sâu do vi khuẩn làm hỏng lớp men răng rồi tiến vào ngà răng.
- Vi khuẩn xâm nhập sâu vào tủy răng, làm tủy sưng lên và viêm, dẫn đến viêm tủy răng.
- Các bệnh liên quan đến nướu răng như viêm lợi, viêm nha chu,…
- Áp xe răng do nhiễm trùng từ bên trong răng rồi lan đến chân răng và những vùng khác.
- Mọc răng khôn có thể dẫn đến tình trạng đau răng hàm.
- Ngoài ra còn do các nguyên nhân khác như viêm xoang, gãy răng, nghiến răng,…
Tùy vào nguyên nhân, dấu hiệu đau răng ở mỗi người sẽ khác nhau nhưng thông thường sẽ có biểu hiện như nướu sưng đau, có thể bị phát sốt, cảm giác khó chịu khi ăn – đặc biệt là đồ nóng hoặc lạnh. Tuy nhiên, khi bạn gặp các dấu hiệu như đau răng kéo dài 1 – 2 ngày, cường độ đau tăng dần, sốt, đau tai hoặc cảm thấy đau khi mở miệng,… thì bạn cần đến gặp bác sĩ để được khắc phục.
2. Khi bị đau răng nên ăn gì? 8 loại thực phẩm người bị đau răng nên ăn
Thức ăn mềm, lỏng, trái cây, rau xanh, cá hồi,… là những loại thực phẩm mà người đau răng nên ăn, cụ thể là:
2.1 Thức ăn mềm, lỏng
Thức ăn mềm và lỏng giúp bạn dễ dàng nhai nuốt và hầu như không ảnh hưởng đến mô nướu, chân răng đang bị tổn thương. Nhờ đó giảm thiểu tình trạng đau răng, đồng thời tăng tiết nước bọt giúp khoang miệng sạch sẽ hơn.
Không những thế, các loại thức ăn mềm, lỏng thường được nấu trong thời gian dài chứa thành phần dinh dưỡng cân bằng như protein (thịt, cá, trứng,…), vitamin và khoáng chất (rau củ, thịt cá,…),… giúp bổ sung năng lượng, giảm tình trạng mệt mỏi và chán ăn. Một số loại đồ ăn mềm cho người đau răng bạn có thể tham khảo gồm cháo, súp, sinh tố, món hấp, luộc,…
2.2 Người bị đau răng nên ăn gì? Sữa và các chế phẩm từ sữa
Sữa và các sản phẩm từ sữa không chỉ là loại thực phẩm dạng lỏng mềm giúp người đau răng dễ nhai nuốt, mà còn chứa nhiều dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Hơn nữa, trong các thực phẩm này có chứa nhiều vitamin D, canxi giúp răng chắc khỏe, thúc đẩy quá trình tái tạo khoáng men răng và ngăn ngừa vi khuẩn tấn công vào tủy. Đặc biệt, việc bổ sung sữa tươi và các sản phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai,… còn giúp cơ thể tiếp nhận nguồn dinh dưỡng dồi dào mà không khiến răng bị ê buốt.
2.3 Trái cây mềm, giàu vitamin
Nếu bạn không biết nên ăn gì khi đau răng thì có thể lựa chọn trái cây mềm như kiwi, việt quất, dâu, nho, mãng cầu,…. Theo đó, trong trái cây mềm chứa hàm lượng đường phong phú, lành mạnh và bổ sung nhiều dưỡng chất cần thiết cho cơ thể giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục. Mặc khác, những loại trái cây này có cấu trúc mềm, mọng nước nên dễ dàng nhai nuốt mà không cần dùng quá nhiều sức.
2.4 Các loại rau xanh
Chất xơ dồi dào trong rau xanh có tác dụng làm giảm nồng độ acid trong khoang miệng, bảo vệ men răng, hỗ trợ làm sạch mảng bám và ức chế quá trình phát triển của vi khuẩn có hại. Không những thế, rau xanh còn chứa nhiều nước giúp làm dịu cảm giác đau nhức, ê buốt răng và hôi miệng hiệu quả. Bạn có thể luộc rau xanh hoặc cắt nhỏ nấu cùng với thịt, cá thành canh, súp hoặc cháo giúp dễ tiêu hóa và cải thiện tình trạng đau răng tốt hơn.
2.5 Đau nhức răng ăn gì? Thử ngay cá hồi hoặc cá ngừ
Cá ngừ và cá hồi là hai loại cá có chứa hàm lượng lớn canxi, Omega-3 tốt cho xương, răng và ngăn ngừa tình trạng răng lung lay, suy yếu. Bên cạnh đó, hai loại cá này còn có kết cấu mềm, dễ dàng nhai và nuốt, hạn chế tác động đến vết thương. Đối với hai loại cá này, bạn có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như cháo, cá hấp, cá áp chảo, súp,…
2.6 Gừng
Gừng có chứa hai chất tốt cho người bị đau răng đó là gingerol và cineol. Theo đó, chất gingerol giúp ức chế tổng hợp chất trung gian gây viêm là prostaglandin, đồng thời giảm đau tự nhiên. Trong khi đó cineol có đặc tính kháng khuẩn, sát trùng và giảm mùi hôi miệng hiệu quả. Chính vì vậy khi nhắc đến vấn đề người bị đau răng nên ăn gì thì các loại trà gừng, món ăn chứa gừng là gợi ý phù hợp cho bạn.
2.7 Tỏi
Tỏi là một loại gia vị hỗ trợ giảm đau răng do sâu răng, viêm nha chu, viêm tủy răng hoặc các bệnh lý về răng miệng khác. Điều này là nhờ vào hàm lượng chất allicin dồi dào có khả năng diệt khuẩn và cải thiện tình trạng đau răng hiệu quả.
2.8 Mật ong
Mật ong là thực phẩm có khả năng chống viêm, kháng khuẩn và kiểm soát tình trạng viêm tốt, đặc biệt ở phần mô nướu. Đặc biệt, mật ong còn có thể cải thiện tình trạng mệt mỏi và đau nhức răng. Vì vậy, bạn có thể dùng mật ong chế biến thành nhiều món ăn giúp hỗ trợ cải thiện tình trạng đau răng như nước mật ong, bánh flan mật ong,…
3. Người bị đau răng kiêng ăn gì?
Bên cạnh những thực phẩm nên ăn, khi bị đau răng, bạn nên lưu ý rằng chế độ ăn uống tránh các loại thực phẩm sau:
3.1 Thực phẩm có tính axit cao
Khi bị đau nhức răng kiêng ăn gì? Bạn nên hạn chế các thực phẩm có tính axit cao như cam, quýt, bưởi, bí ngô, hạt hướng dương, cà chua, dứa, táo,… Bởi tính axit có thể làm giảm độ pH trong khoang miệng khiến men răng dễ bị mài mòn, từ đó làm tăng cảm giác đau nhức.
3.2 Đồ uống có ga
Trong đồ uống có ga chứa đường và axit, đây là hai chất có ảnh hưởng đến dây thần kinh răng, tăng tình trạng đau nhức. Đặc biệt, khi uống các đồ uống có ga trong thời gian dài có thể khiến răng đổi màu, gây khô miệng và giảm tiết nước bọt.
3.3 Thức ăn giàu tinh bột
Các thực phẩm chứa nhiều tinh bột như gạo, nếp, các loại đậu,… có thể hình thành các mảng bám trên răng lợi. Nếu không được vệ sinh kỹ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển khiến tình trạng viêm, đau thêm trầm trọng.
3.4 Khi đau răng không nên ăn gì? Thực phẩm chứa nhiều đường
Các thực phẩm chứa nhiều đường như kẹo, bánh quy, snack, chocolate,… thường chứa nhiều đường sucrose. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển, khi vi khuẩn tích tụ nhiều có thể hình thành axit lactic gây bào mòn răng, khiến tình trạng đau răng kéo dài.
3.5 Các món ăn lạnh
Khi bị đau răng kiêng những gì? Bạn không nên ăn các món lạnh như kem, nước đá, sinh tố có đá, đá bào,… Bởi những thức ăn này có thể làm kích thích vết thương ở nướu, tăng độ nhạy cảm dẫn đến tình trạng ê buốt, đau nhức răng gia tăng.
3.6 Cà phê
Các loại cà phê nóng hoặc lạnh có thể kích thích dây thần kinh ở răng khiến bạn đau răng nhiều hơn. Bên cạnh đó, cà phê còn có tính axit cao, tăng nguy cơ làm mài mòn men răng.
4. Một số lưu ý khác giúp giảm đau răng hiệu quả
Ngoài quan tâm thực phẩm nên và không nên ăn khi đau răng, bạn đừng quên “bỏ túi” những lưu ý hữu ích khi chăm sóc răng miệng dưới đây:
- Vệ sinh răng miệng đúng cách: Bạn nên đánh răng nhẹ nhàng để không làm ảnh hưởng đến men răng và nướu. Đồng thời, một ngày nên đánh răng và súc miệng 2 lần. Ngoài ra, bạn có thể kết hợp chỉ nha khoa để làm sạch mảng bám hiệu quả.
- Có thể sử dụng thuốc giảm đau: Trong trường hợp răng quá đau nhức, bạn có thể uống thuốc giảm đau, tuy nhiên cần có sự tư vấn của bác sĩ để đảm bảo an toàn.
- Đi khám ngay nếu gặp các dấu hiệu bất thường: Trường hợp đau răng kéo dài, bạn nên đến bệnh viện hoặc các phòng khám nha khoa để được điều trị kịp thời.
- Vệ sinh răng miệng khi ăn thức ăn axit: Sau khi ăn thức ăn có tính axit, bạn cần súc miệng với nước lọc, sau khoảng 30 phút – 1 tiếng bạn mới đánh răng để tránh ảnh hưởng đến men răng.
Trên đây là toàn bộ thông tin giải đáp thắc mắc xoay quanh vấn đề đau răng nên ăn gì, kiêng gì. Mong rằng qua bài viết này, bạn đã có thể xây dựng thực đơn ăn uống phù hợp để cải thiện tình trạng đau răng, ăn uống dễ dàng hơn.