Củ lùn là loại thực phẩm quen thuộc, đặc sản của người dân vùng Nam Bộ. Chúng góp phần làm đa dạng nền ẩm thực Việt Nam. Tuy có vẻ ngoài nhỏ bé nhưng củ khoai lại cực ngon, giòn sần sật, ngọt bùi tự nhiên. Ngoài ra, cũng như nhiều loại khoai khác, củ lùn chứa nhiều chất dinh dưỡng rất tốt cho sức khỏe.
1. Củ lùn là gì?
Củ lùn hay còn được gọi là khoai lùn, củ năng tàu, củ sâm lùn. Chúng có tên khoa học là Calathea allouia hoặc Calathea allovia, thuộc họ Marantaceae. Củ lùn có nguồn gốc từ Nam Mỹ thường phân bố ở các vùng nhiệt đới, trồng nhiều để thu hoạch củ bán hoặc ăn.
Củ lùn thường mọc thành bụi cao khoảng 1m, lá dày từ 20- 30cm. Củ lùn có hình dáng tròn nhỏ, vỏ ngoài màu vàng nhạt, có cuống dài, các củ tập trung thành chùm, bên trong thịt màu trắng trong, lõi màu trắng đục có bột. Củ lùn thường được mang luộc hoặc hấp có vị thơm thơm, giòn giòn, vị ngọt, bùi bùi nhẹ nhàng. Không giống các loại khoai khác loại củ này có phần ruột giòn sần sật, ít bột nên không gây ngán.
Ở Việt Nam loại củ này được trồng nhiều ở khu vực Tây Nam Bộ. Chúng được trồng nhiều và thu hoạch duy nhất 1 lần trong năm. Thông thường mùa củ lùn kéo dài từ tháng 11 âm lịch đến tháng 2 năm sau. Loại củ này khá lạ lẫm với các bạn ở miền Bắc nhưng được bán nhiều ở Sài Gòn. Loại củ này khiến bạn càng ăn càng mê, ăn một lần hết cả rổ vẫn chưa thỏa mãn.
2. Tác dụng của củ lùn đối với sức khỏe
Người thường có câu “nhỏ nhưng có võ” khi nhắc đến củ lùn. Bởi chúng chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe. Chính vì thế mọi người rất thích ăn loại củ mát ngọt tự nhiên này.
Củ lùn chứa nhiều kali, canxi, photpho giúp ổn định huyết áp, hỗ trợ giảm mỡ máu, cải thiện tim mạch, giảm thiểu nguy cơ đột quỵ.
Củ lùn mọng nước giúp bổ sung nước cho cơ thể, từ đó có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, mát gan, lợi tiểu.
Củ lùn chứa nhiều chất xơ tốt cho hệ tiêu hóa, phòng ngừa và trị táo bón . Ngoài ra chúng còn giảm cholesterol, ổn định đường huyết, giúp no lâu, giảm cân.
Trong củ lùn dồi dào các chất chống oxy hóa như vitamin A, B, C, E… làm chậm quá trình lão hóa, đẹp da, kháng viêm. Vitamin A trong thực phẩm tốt cho thị lực, phòng ngừa các bệnh về mắt.
3. Món ngon từ củ lùn
Củ lùn là loại thực phẩm dân dã, bình dị của người dân miệt vườn, sông nước. Chúng thường được mang luộc, hấp bán tại các bến xe từ miền Tây lên Sài Gòn như một loại đặc sản. Ngoài ra cũng như các loại khoai khác chúng có thể dùng để nấu chè, canh xương hầm thanh mát, ngon cơm.
3.1. Cách luộc củ lùn
Nguyên liệu: 2kg khoai lùn, muối, đường
Cách thực hiện
- Khoai lùn ngâm vào trong nước vài giờ, rửa sạch lại nhiều lần nước cho vỏ sạch bùn đất, để ráo nước.
- Bỏ khoai vào nồi, đổ ngập nước thêm vào 1 thìa canh muối. Đậy nắp nồi luộc khoai trong vòng 30 – 40 phút. Thấy khoai gần chín bạn nêm thêm 1 thìa canh đường (có thể không nêm đường). Ăn thử thấy khoai chín thì nhấc nồi xuống đổ khoai ra rổ.
Như vậy bạn đã hoàn thành các luộc củ lùn đơn giản, nhanh gọn. Với loại củ này bạn có thể làm món ăn vặt lạ miệng ngày buồn chán, cải thiện tâm trạng vui vẻ. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận củ lùn giòn sần sật, thơm ngon ngọt tự nhiên, bui bùi ngất ngây. Khi ăn sẽ thấy thích thú không muốn dừng lại.
3.2. Cách nấu chè củ lùn
Vào những ngày trời hè oi bức được ăn chén chè củ lùn ngọt thanh, mát dịu, giòn sần sật thì còn gì bằng. Tuy đơn giản, dân dã nhưng món ăn vặt giải nhiệt này lại khiến nhiều người nhớ về kỷ niệm thời thơ ấu bên nồi chè củ lùn mẹ nấu. Dưới đây cùng tham khảo cách nấu chè khoai đơn giản, nhanh gọn này nhé!
Nguyên liệu: 500gram củ lùn, 2 ống vani, 200gram đường phèn, 100gram bột báng
Cách thực hiện
- Củ lùn rửa sạch, bỏ vào nồi luộc 30 phút. Khi chúng chín vớt ra, bóc vỏ, cắt thành các khoanh vừa ăn.
- Bột báng ngâm trước 30 phút, rửa sạch, để ráo. Bắc nồi nước lên bếp cho bột báng vào nấu đến khi bột báng nở.
- Bột báng nở bạn cho hết củ lùn, 100gram đường phèn vào khuấy đều. Nêm nếm độ ngọt lại cho vừa miệng. Nấu đến khi nước chè sôi bùng lên cho vào một ống vani khuấy đều rồi tắt bếp.
Tùy theo sở thích bạn có thể ăn chè khoai nóng hoặc chờ nguội cho chúng vào tủ lạnh để ăn lạnh. Để món chè thơm hơn bạn có thể bỏ thêm lá dứa trong lúc nấu cũng rất thích hợp. Cách nấu chè khoai lùn mang đến món ăn vặt dinh dưỡng, ngọt ngào lạ miệng rất tốt cho những ngày buồn chán.
Củ lùn cũng giống như các loại khoai khác còn có thể mang nấu canh, hầm xương rất ngon. Các món ăn vặt từ củ lùn hứa hẹn sẽ mang đến ngày nghỉ vui vẻ, thư giãn tuyệt vời. Nếu bạn là người con miền Tây chắc chắn sẽ thấy loại thực phẩm này rất đỗi quen thuộc và gần gũi.
Ngọc Hân