Cơm rượu trong ẩm thực của người Việt là món ăn truyền thống dịp tết Đoan Ngọ. Gắn với món ăn này là những lý do rất đặc biệt, hữu ích cho sức khỏe nhất là về tiêu hóa mà ông bà từ ngày xưa đã áp dụng, truyền đời. Đến nay, dịp 5/5 âm lịch, nhiều gia đình vẫn giữ thói quen này. Vậy, thực sự cơm rượu có tốt cho sức khỏe không? Chúng ta cùng nhau tìm hiểu chi tiết hơn về chủ đề này nhé.
1. Về món cơm rượu
Đa phần chúng ta đều thấy rất quen thuộc với món cơm rượu vì món này được dùng vào mỗi dịp tết Đoan Ngọ (5/5 âm lịch) từ xưa đến nay như đã đề cập. Cơm rượu cũng được dùng trong chế biến món ăn, thức uống và ngâm rượu uống như một loại thuốc bổ.
Cơm rượu hay rượu cái cũng được gọi là cơm lên men có thể làm từ gạo nếp hay gạo tẻ. Gạo sẽ được nấu thành cơm rồi ủ men vài ngày để lên men. Thành phẩm thu được là rượu cái có vị cay nồng, chua, ngọt, đắng. Thành phẩm được dùng luôn không qua chưng cất.
2. Lợi ích của cơm rượu
2.1. Lợi ích của cơm rượu theo người xưa
Theo dân gian, ngày 5/5 âm lịch là khi giun sán, ký sinh trùng…gọi chung là sâu bọ hoạt động mạnh nhất. Nếu dùng cơm rượu vào thời gian này sẽ làm cho chúng bị say rồi chết. Cơm rượu có đủ vi ngọt, đắng, cay, nóng,…dùng lúc bụng đói thì càng tăng hiệu quả diệt sâu bọ hơn. Quan niệm này được giữ và lưu truyền. Cho đến nay thói quen dùng cơm rượu vào ngà tết Đoan Ngọ vẫn được duy trì ở nhiều gia đình.
2.2. Lợi ích của cơm rượu theo Đông y và y học hiện đại
Theo Đông y, cơm rượu hay rượu cái được xem như một vị thuốc. Nhiều nghiên cứu hiện nay cũng cung cấp thông tin rằng, rượu cái có thể mang lại một số lợi ích nhất định cho sức khỏe. Tiêu biểu nhất có thể kể đến như:
2.2.1. Tốt cho tiêu hóa
Cơm rượu lên men giàu probiotic có tác dụng góp phần làm cho đường ruột khỏe mạnh hơn. Do đó, phần nào giải thích người xưa cho rằng ăn cơm rượu thì diệt trừ được sâu bọ là vậy. Dùng cơm rượu với liều lượng phù hợp rất có lợi cho đường ruột của bạn.
2.2.2. Cơm rượu là thực phẩm giàu chất sắt
Cơm rượu có hàm lượng sắt cao nên có lợi cho người thiếu máu. Đây cũng là lý do, các bà bầu – đối tượng cần tăng cường sắt được khuyên nên để cơm rượu vào thực đơn của mình trong quá trình mang thai.
2.2.3. Thực phẩm giàu vitamin B và canxi
Cơm rượu có thành phần chính là gạo nếp giàu vitamin B và canxi rất có lợi cho cơ thể. Trong đó, vitamin B cần cho sức khỏe làn da còn canxi rất cần cho sức khỏe xương khớp. Do vậy, dùng cơm rượu cũng được cho là làm đẹp da, cho làn da khỏe mạnh hơn. Thực phẩm này cũng có thể góp phần củng cố sức khỏe hệ xương, giúp ngăn ngừa hoặc đẩy lùi các bệnh lý liên quan như loãng xương hay thoái hóa khớp chẳng hạn.
2.2.4. Cơm rượu góp phần tăng cường miễn dịch
Trong cơm rượu chứa polysacarit – một dưỡng chất giúp cải thiện hệ thống miễn dịch. Điều này đã được đề cập trong một nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc vào năm 2014.
Ngoài ra, rượu cái cũng còn được cho là mang lại nhiều lợi ích khác như cung cấp năng lượng, có tác dụng ngăn ngừa bệnh tiểu đường , các vấn đề về tim mạch, góp phần giảm cân,…Bên cạnh những lợi ích đã được nghiên cứu tìm hiểu dựa trên thành phần của gạo và thực phẩm lên men, vẫn còn có những lợi ích đang được nghiên cứu thêm để được khẳng định và xác thực.
3. Bầu ăn cơm rượu được không?
Theo dân gian, cơm rượu hay rượu cái rất có lợi cho bà bầu. Điều này cũng khiến cho nhiều người băn khoăn, về tính xác thực của thực phẩm này với phụ nữ đang ở thời kỳ khá nhạy cảm, cần lưu ý nhiều về sức khỏe.
Như đã đề cập ở trên, cơm rượu có mang lại một số lợi ích cho sức khỏe. Trong đó, tiêu biểu là rượu cái rất có lợi cho người thiếu máu hay cần nhiều chất sắt, cũng như cần tăng đề kháng và cải thiện về tiêu hóa. Với những lợi điểm này thì hoàn toàn rất phù hợp để bà bầu dùng. Vì khi mang thai, phụ nữ cần thực phẩm mang lại lợi ích như vậy.
Nếu bạn đang băn khoăn về việc bầu ăn cơm rượu được không, câu trả lời là được.
4. Bà đẻ ăn cơm rượu và vấn đề cơm rượu lợi sữa
Cũng như vấn đề bà bầu ăn cơm rượu có được không và tốt không, bà đẻ ăn cơm rượu cũng rất được quan tâm. Vì, mẹ sau sinh thường rất cẩn trọng về ăn uống sao cho lành, mau hồi phục sức khỏe và không ảnh hưởng đến chất lượng sữa cho con bú.
Theo Đông y, cơm rượu có tính ấm nóng tốt cho mẹ sau sinh khi cơ thể đang ở trạng thái “hàn”. Cơm rượu còn bổ huyết, ích thận. Sau sinh, dùng cơm rượu có tác dụng làm ấm bụng, tăng năng lượng, kích thích và tốt cho tiêu hóa lẫn lợi sữa.
Cơm rượu nhất là rượu cái nếp cẩm hay nếp than rất giàu protein, chất béo, các axit amin, vitamin,..có ích trong việc hỗ trợ sản sinh sữa lẫn tác động đến chất lượng sữa. Dùng cơm rượu có thể góp phần cải thiện tiêu hóa, kích thích ngon miệng và giảm căng thẳng. Có lẽ, đây cũng là lý do khiến cho việc mẹ sau sinh ăn cơm rượu được khuyến khích vì thực sự lợi sữa.
5. Cơm rượu giảm cân
So với cơm thường, lượng calo của cơm rượu thấp hơn. Ví dụ, 100g cơm thường chứa trên 300 calo nhưng 100 g cơm rượu sau quá trình lên men chỉ còn khoảng 170 calo. Cơm rượu cũng giúp no lâu hơn cơm thường.
Với nhiều ưu điểm, cơm rượu cũng được xếp vào danh sách thực phẩm giảm cân . Tuy nhiên, hiệu quả giảm cân của cơm rượu cũng như các thực phẩm khác còn phụ thuộc vào cách chúng ta sử dụng và liều lượng dùng.
6. Khi nào nên ăn cơm rượu và dùng sao cho đúng cách
6.1. Khi nào chúng ta nên ăn cơm rượu
Khi xưa, cơm rượu được cho rằng ăn tốt nhất vào buổi sáng khi chưa ăn gì. Theo các chuyên gia dinh dưỡng ngày nay, cơm rượu có thể ăn bất cứ thời điểm nào trong ngày và nên ăn sau bữa chính ít phút. Thời điểm ăn cơm rượu mang lại nhiều lợi ích hơn là dùng vào buổi sáng.
6.2. Ai không nên dùng cơm rượu
Dù cơm rượu mang lại những lợi ích nhất định cho cơ thể và sức khỏe, tuy nhiên không phải tất cả mọi người đều có thể dùng. Một số trường hợp không nên hoặc hạn chế ăn cơm rượu như:
- Trẻ em.
- Người có bệnh lý hoặc đang gặp các vấn đề ở dạ dày.
- Người bị dị ứng hoặc mẫn cảm với cơm rượu.
- Người bị bệnh dị ứng hoặc bệnh chàm.
- Người có thể trạng nóng hoặc đang trong thời gian bị nóng trong người.
6.3. Dùng cơm rượu đúng cách
- Ăn cơm rượu vào buổi sáng và sau bữa chính ít phút.
- Dùng liều lượng vừa phải và phù hợp, không lạm dụng.
- Phụ nữ mang thai có thể trạng bình thường hoặc hàn, ở 3 tháng đầu thai kỳ nên hạn chế ăn. Ở những tháng sau có thể dùng 2-3 lần/ tuần, mỗi lần nên dùng 1 chén nhỏ và dùng sau bữa ăn chính ít phút.
- Phụ nữ sau sinh có thể trạng bình thường có thể dùng cơm rượu 2-3 lần/ tuần. Mỗi lần dùng khoảng 1 chén nhỏ, dùng sau bữa chính ít phút.
- Phụ nữ mang thai và mẹ sau sinh nên ưu tiên dùng cơm rượu nếp cẩm hoặc cơm rượu nếp than vì hàm lượng dinh dưỡng cao hơn.
- Không ăn cơm rượu khi đang đói.
- Bà bầu hay mẹ sau sinh có thể trạng nóng nên hạn chế dùng.
- Người giảm cân nếu dùng cơm rượu với mục đích giảm cân cần sử dụng hợp lý, kết hợp thực đơn giảm cân phong phú khác và duy trì tập thể dục đều đặn.
7. Cách làm cơm rượu đơn giản
7.1. Nguyên liệu làm cơm rượu
- 500 g nếp (tùy loại yêu thích)
- 1 thìa cà phê muối + 250 ml nước sôi (trường hợp làm cơm rượu dạng viên)
- 3 g men
- Hộp đựng có nắp
7.2. Cách làm
- Mang nếp vo sạch rồi ngâm nếp 30 phút hoặc vài tiếng hay qua đêm tùy loại nếp bạn dùng. Sau khi ngâm đổ nếp ra rá cho ráo nước.
- Cho nếp vào nồi cơm điện, thêm nước xâm xấp mặt gạo, nấu chín.
- Men mang đi giã hoặc nhuyễn.
- Pha muối với 250 ml nước sôi, khuấy đều muối tan rồi để nguội. Nước muối loãng này để nhúng vá hay thìa hoặc nhúng tay khi xới hoặc trộn cơm với men.
- Cơm chín bạn đổ ra khay thanh mỏng cho nguội còn hơi ấm. Cho 1 lớp cơm vào hộp, rắc men đều mặt cơm nếp rồi cho lớp cơm tiếp theo, lại rắc men lên. Làm tương tự cho đến hết lượng cơm và men. Bạn cũng có thể dùng thìa, vá hay tay tiến hành trộn cơm với men cho đều.
- Rắc men xong bạn đậy hộp lại, để hộp cơm nơi khô ráo, ấm và không có ánh sáng. Hoặc dùng túi đậm màu bọc hộp cơm lại. Ủ cơm 3-4 ngày là cơm lên men và dùng được. Khi cơm lên men độ như ý, bạn để vào ngăn mát tủ lạnh để dùng dần.
Nếu làm cơm rượu dạng viên
Bạn rửa sạch tay, nhúng tay vào nước muối loãng đã pha, lấy từng ít cơm đã rắc men vo viên tròn cỡ như ý. Xếp viên cơm vào hộp, làm tương tự cho đến hết phần cơm đã rắc men. Ủ tương tự như cách trên.
8. Cơm rượu ăn với gì?
8.1. Ăn cơm rượu với sữa chua
Đây là món ăn vặt và là món ăn với mục đích làm đẹp da, giảm cân. Món ăn thường sẽ dùng rượu cái nếp cẩm hoặc rượu cái nếp than.
Để dùng, bạn cho cơm rượu nếp cẩm hoặc nếp than vào ly, cho sữa chua và đá bào lên trên trộn đều rồi thưởng thức. Cách khác, bạn cho một ít cơm rượu nếp cẩm hoặc nếp than vào máy xay sinh tố, thêm vào sữa chua và đá bào, xay nhuyễn, đổ ra ly và thưởng thức.
Cơm rượu nếp cẩm hoặc nếp than cũng được xay nhuyễn thêm vào một số loại thức uống để tăng hương vị.
8.2. Cơm rượu và xôi
Cơm rượu và xôi là món ngon truyền thống rất nhiều gia đình yêu thích. Cơm rượu dùng với xôi thường là cơm rượu nếp trắng, có thêm nước đường. Xôi để dùng với cơm rượu này thường là xôi vò hoặc xôi đậu xanh thông thường.
9. Món ngon với cơm rượu
Không chỉ dùng để làm thức uống, ăn chung với xôi, cơm rượu còn được dùng làm nguyên liệu để nấu một số món ngon. Cơm rượu có tác dụng làm dậy vị, giảm mùi tanh nồng, tăng dinh dưỡng lẫn độ ngon cho món ăn. Một số món ăn sử dụng nguyên liệu cơm rượu có thể kể đến như:
9.1. Làm bánh bò với cơm rượu
Cơm rượu nếp trắng tạo độ thơm và độ xốp cho bánh bò. Đây là cách kết hợp có từ lâu. Bánh bò dùng nguyên liệu này được cho là ngon hơn dùng men nở. Khi dùng cơm rượu làm bánh bò, người ta sẽ cho cơm rượu nếp trắng vào trong quá trình pha bột.
9.2. Vịt nấu cơm rượu
Món ngon dân dã nhưng lại khá đậm đà và hấp dẫn. Cơm rượu không chỉ làm giảm mùi đặc trưng của thịt vịt mà còn làm cho thịt vịt thơm ngon hơn. Để làm món này người ta sẽ cho cơm rượu vào cùng các gia vị để ướp vịt trước khi nấu.
9.3. Cơm rượu nấu gà hoặc cơm rượu hầm gà
Đây cũng là một món ăn có vị ngon đặc trưng và được cho là tăng cường sức khỏe. Món ăn thường có trong thực đơn của các mẹ sau sinh. Để làm món này, người ta cũng cho cơm rượu nếp trắng ướp gà với các gia vị khác rồi mang đi nấu. Khi nấu hoặc hầm gà, cũng có thể dùng thêm ít cơm rượu để nêm nếm cùng gia vị khác. Món ăn có thể là khô hoặc nước tùy theo sở thích và công thức chế biến.
9.4. Cơm rượu hấp trứng gà
Cơm rượu hấp trứng gà hay rượu nếp cái hấp trứng là món ngon đặc sản của vùng đất Cao Bằng. Để làm món này, về cơ bản, người ta sẽ cho cơm rượu vào trứng gà đánh tan rồi hấp chín, dùng khi còn nóng.
Có thể nói rằng, cơm rượu không chỉ đơn giản là một loại thực phẩm món ăn. Đây còn là vị thuốc như thuốc bổ tự nhiên. Khi dùng đúng cách, cơm rượu cũng như nhiều loại thực phẩm ích lợi khác đều mang lại hiệu quả nhất định cho việc chăm sóc và tăng cường sức khỏe. Hy vọng rằng qua chia sẻ trên, bạn cũng nhận được thêm nhiều thông tin hữu ích trong việc sử dụng cơm rượu nhé.
Hằng Lâm