Acid amin là thành phần tạo nên protein, và cơ thể có khả năng sản xuất một số acid amin, một số khác bạn phải nạp từ thực phẩm. Tuy không phải là acid amin thiết yếu nhưng arginine đóng một vai trò khá quan trọng trong tổng hợp protein, tăng cường sự trao đổi protein và nitơ. Dưới đây là thông tin do Viện Y học ứng dụng Việt Nam tổng hợp về những loại thực phẩm giàu arginine bậc nhất.
Arginine là một trong những acid amin có mặt trong protein của hầu hết các sinh vật sống.
Bình thường, protein sau khi tiêu hóa sẽ được chuyển hóa thành các acid amin và hấp thu trong cơ thể. Cơ thể có thể tự sản xuất ra một số loại amino acid, tuy nhiên một số acid amin thiết yếu cơ thể không thể tự tổng hợp và cần được cung cấp từ thức ăn. Xét về nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể, amin acid được chia ra làm 3 nhóm:
- Nhóm không thiết yếu: cơ thể có thể tự sản xuất đủ để đáp ứng nhu cầu của bản thân
- Nhóm thiết yếu: cơ thể không thể tự tổng hợp, cần phải cung cấp từ thực phẩm
- Nhóm bán thiết yếu: những amino acid này không quá cần thiết trong điều kiện bình thường nhưng lại thực sự quan trọng trong một số tình huống nhất định
Arginine được coi là một acid amin thiết yếu có điều kiện hoặc bán cần thiết bởi trong điều kiện bình thường cơ thể có thể sản xuất đủ lượng arginine để đáp ứng các nhu cầu sinh học.Tuy nhiên, khi mắc phải các chấn thương hay trong giai đoạn phục hồi, cơ thể sẽ không thể sản xuất đủ lượng arginine cần thiết. Khi đó acid amin này trở nên rất cần thiết để đáp ứng nhu cầu đang tăng mạnh của cơ thể.
Chức năng của arginine
- Tạo ra nitric oxyd có tác dụng làm giãn các động mạch và mạch máu, tăng cường tuần hoàn máu
- Kích thích quá trình lành vết thương
- Hỗ trợ chức năng thận trong việc loại bỏ các chất cặn bã ra khỏi cơ thể
- Tăng cường chức năng của hệ thống miễn dịch
Mọi người có thể bổ sung arginine hàng ngày bằng cách sử dụng các loại thực phẩm chức năng chứa arginine, chúng cũng có tác dụng hỗ trợ kiểm soát các bệnh tim mạch, cơn đau thắt ngực, rối loạn cương dương cũng như giúp xây dựng khối cơ bắp, thúc đẩy quá trình lành vết thương và tham gia sửa chữa các mô bị tổn thương. Có một số bằng chứng cho rằng tăng cường cung cấp arginine có thể giúp điều trị tất cả các bệnh kể trên. Tuy nhiên, sử dụng quá nhiều thực phẩm chức năng chứa loại acid amin này cũng gây ra một số tác dụng phụ như đau bụng và tiêu chảy. Liều cao còn có thể gây ra một số nguy cơ đối với những người đang sử dụng một số loại thuốc khác hay đang mắc một số căn bệnh.
Tin tốt là việc bổ sung arginine từ thực phẩm giàu protein lại khá an toàn và tốt cho sức khỏe. Do arginine có thể được tổng hợp từ những amino acid khác nên các loại thực phẩm giàu protein nói chung có thể giúp tăng cường lượng arginine cho cơ thể. Dưới đây là danh sách 10 loại thực phẩm giúp làm tăng hàm lượng arginine mà chúng ta nên biết:
1. Gà tây
Hàm lượng arginine cao nhất nằm ở phần ức gà tây. Một phần ức gà đã chế biến chứa khoảng 16 gram arginine. Gà tây không chỉ là nguồn cung cấp protein dồi dào mà còn rất giàu các dưỡng chất khác như các vitamin nhóm B và acid béo omega-3. Chuẩn bị một phần cơm gà tây cho bữa tối của cả gia đình không mất quá nhiều thời gian mà còn đầy đủ dinh dưỡng nữa.
2. Sườn thăn lợn
Sườn thăn lợn – một loại thực phẩm cũng chứa hàm lượng protein khá cao khác có chứa khoảng 14 gram arginine trong mỗi miếng sườn cỡ vừa. Nó cũng là một trong những phần nạc nhất của thịt lợn và chứa rất ít mỡ. Bạn có thể trổ tài chế biến được rất nhiều món ngon với phần thịt này mà không cần lo sợ sẽ bị tăng cân.
3. Thịt gà
Thịt gà là một trong những thực phẩm cung cấp protein chủ yếu cho cơ thể. Nó được xếp hàng thứ 3 trong nhóm các thực phẩm giàu arginine bậc nhất. Một miếng ức gà cung cấp khoảng 70% nhu cầu protein khuyến nghị hàng ngày và gần 9 gram arginine.
4. Hạt bí
Các thực phẩm có nguồn gốc thực vật không phải là cách duy nhất để cung cấp đủ protein và arginine cho cơ thể. Một chén hạt bí có chứa tới 7 gram arginine. Hạt bí cũng là nguồn cung cấp các loại khoáng chất rất quan trọng như sắt và kẽm. Bạn có thể thêm hạt bí vào món salad rau ăn kèm hoặc trộn vào các loại đồ uống hỗn hợp yêu thích.
5. Đậu nành
Một chén đậu nành rang chứa khoảng 4.6 gram arginine. Đậu nành cũng rất giàu các nguyên tố đa lượng như kali và magie. Bạn có thể sử dụng đậu nành như một món đồ ăn vặt giàu dinh dưỡng thay thế cho các loại snack và khoai tây chiên khác.
6. Lạc
Một chén lạc có chứa 4.6 gram arginine. Tuy nhiên bạn cũng không nên ăn quá nhiều lạc một lúc bởi loại thực phẩm này cũng chứa hàm lượng chất béo rất cao. Thay vào đó, bạn nên chia nhỏ thành ¼ chén và sử dụng trong suốt 1 tuần. Ngoài hàm lượng protein khá cao, lạc còn là nguồn cung cấp các vitamin B3 và E, folate và niacin. Lạc và chuối xay chung có thể tạo thành một loại đồ uống smoothie vừa thơm ngon vừa bổ dưỡng.
7. Tảo spirulina
Tảo spirulina là một loài vi tảo có dạng xoắn hình lò so, mầu xanh lam sống ở dưới biển. Trên thị trường, loại tảo này được bán dưới dạng bột và được sử dụng để thêm vào các loại đồ uống như smoothie để cung cấp các dưỡng chất cho cơ thể. Một chén tảo spirulina có chứa khoảng 4.6 gram arginine cùng với hàm lượng cao canxi, sắt, kali và niacin. Tuy nhiên, để chế biến đồ uống smoothie bạn chỉ cần sử dụng một thìa tảo spirulina tương đương với khoảng 0.28 gram arginine.
8. Các sản phẩm từ sữa
Do các sản phẩm từ sữa rất giàu protein nên bạn cũng có thể cung cấp arginine cho cơ thể từ các sản phẩm này bao gồm sữa tươi, pho mát và sữa chua. Một cốc sữa có chứa khoảng 0.2 gram và 4 ounce (tương đương 113 gram) pho mát cheddar chứa khoảng 0.25 gram arginine.
9. Đậu gà (đậu chickpea)
Đậu gà là nguồn cung cấp đầy đủ các protein và chất xơ, đặc biệt nếu bạn là đối tượng ăn chay. Một chén đậu gà có chứa khoảng 1.3 gram arginine, 14.5 gram protein và 12.5 gram chất xơ. Món đậu gà cà ri có thể là một lựa chọn vừa ngon vừa lạ miệng để cuối tuần thêm thú vị.
10. Đậu lăng
Đậu lăng là một trong những loài thực vật vừa giàu protein lại rất giàu chất xơ mà bạn có thể thêm vào từ điển thực phẩm của mình. Do vậy, không quá ngạc nhiên khi đây cũng là nguồn cung cấp arginin rất dồi dào: khoảng 1.3 gram argnine/ một chén đậu lăng. Một chén đậu lăng cũng đồng thời cung cấp 63% nhu cầu chất xơ khuyến nghị hàng ngày. Bạn có thể chế biến món súp đậu lăng để chuẩn bị một bữa sáng vừa ngon miệng lại vừa tốt cho sức khỏe cho cả gia đình.
Ts.Bs.Trương Hồng Sơn- Viện y học ứng dụng Việt Nam – Tổng hợp từ Healthline