Cách làm đồ chua tại nhà vừa ngon giòn, lại đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo quản để được lâu. Ẩm thực Việt Nam mang đậm cốt cách của một nền văn hóa lâu đời. Mỗi món ăn đều mang dấu ấn và nét đặc trưng của mỗi miền đất khác nhau, thể hiện cách thức chế biến tài hoa, sự cầu kỳ và tinh tế. Ngoài thịt gà, giò, chả… thì đồ chua cũng là món không thể thể thiếu trong mâm cơm Việt. Những món này sẽ kích thích vị giác, giúp ngon miệng, ăn kèm với đồ ăn chứa dầu mỡ sẽ không thấy ngán. Hãy cùng vớiBlogdinhduong.edu.vn tìm hiểu cách làm đồ chua cực ngon có một không hai trong bài viết dưới đây nhé.
1. Cách làm đồ chua ngọt từ su hào, cà rốt ăn cơm tấm
1.1. Nguyên liệu
Đồ chua làm từ su hào, cà rốt là cách chế biến đơn giản nhất của món ăn này. Nếu đã từng thưởng thức bánh mì kẹp thịt , nước mắm chua ngọt để ăn cơm tấm,…chắc hẳn bạn đã bắt gặp món đồ chua quen thuộc này. Để tự ngâm đồ chua tại nhà, bạn cần chuẩn bị:
- Su hào, cà rốt, củ cải trắng
- Hành tím, tỏi
- Muối, đường
1.2. Cách làm đồ chua ngọt từ su hào, cà rốt ăn cơm tấm
- Su hào, cà rốt, củ cải mang đi gọt sạch vỏ. Hành tím và tỏi cũng mang đi bóc vỏ, sau đó rửa sạch với nước. Cắt vừa ăn tất cả số cà rốt, su hào và củ cải trắng, cho ra một cái rổ và phơi trong bóng râm khoảng nửa ngày để rau củ héo đi là được.
- Hành tím trước khi bóc vỏ bạn nên ngâm nước khoảng 5 – 10 phút, sẽ giúp hành dễ bóc vỏ và không bị cay mắt. Rau củ không phơi nắng vì sẽ làm mất nước, khi ăn mất ngon.
- Hỗn hợp nước muối sẽ gồm 500ml nước đun cho sôi lăn tăn rồi thêm vào 2 muỗng canh muối, 1 muỗng canh đường. Nấu cho hỗn hợp sôi lên thì tắt bếp, để nguội.
- Chuẩn bị 1 hũ thủy tinh có nắp đậy, cho hết rau củ phơi héo vào nước muối đã chuẩn bị. Thực hiện sao cho nước muối ngập hơn rau củ khoảng 1 đốt tay là được. Đậy nắp và giữ ở nhiệt độ thường trong khoảng 2 ngày là dùng được rồi.
2. Cách làm bắp cải muối chua
2.1. Nguyên liệu
- Bắp cải, cà rốt
- Nước lọc
- Tỏi, gừng, rau răm
- Muối, đường
2.2. Cách làm đồ chua từ bắp cải
- Bắp cải cắt sợi nhỏ, rửa sạch. Cà rốt bào vỏ, cắt thành sợi. Tỏi cắt thành từng lát, gừng cũng cắt thành sợi. Rau răm rửa sạch rồi thái nhỏ.
- Lấy thau lớn rồi lần lượt cho bắp cải đã cắt, cà rốt, tỏi, gừng vào. Dùng bao tay nilon trộn đều với nhau. Sau đó cho rau răm vào trộn chung luôn. Dùng nước lọc rồi cho vào 6 muỗng muối, 10 muỗng đường rồi khuấy đều tay là hoàn thành phần nước muối đơn giản rồi.
- Lấy hũ lớn, cho nguyên liệu đã trộn với nhau ở bước 2 vào. Cho phần nước muối dưa vào, đậy nắp kín lại và ngâm trong vòng 1-2 ngày là hoàn thành. Dưa bắp cải muối sẽ có mùi thơm thơm nhẹ nhẹ của tỏi. Dưa bắp cải đẹp mắt với màu xanh nhẹ của bắp cải, màu xanh đậm của rau răm, màu đỏ của cà rốt. Khi ăn sẽ có vị chua nhẹ nhẹ. Bắp cải muối chua dùng với thịt luộc, cá kho hay thịt kho đều rất cân bằng vị, không bị ngán.
3. Cách làm đồ chua ngon giòn từ dưa leo
3.1. Nguyên liệu
- Dưa leo, cà rốt
- Tỏi, ớt
- Gia vị: đường cát, muối hạt, đường phèn
3.2. Cách làm dưa leo, cà rốt ngâm chua giòn ngon
- Dưa leo cắt bỏ hai đầu, bổ đôi quả dưa theo chiều dọc rồi nạo bỏ phần ruột dưa đi. Tiếp theo, thái dưa leo thành miếng dài vừa ăn. Cà rốt gọt vỏ, dùng dao cắt cà rốt thành những miếng dài nhỏ như dưa leo (hoặc thái sợi, tỉa hoa). Tỏi bóc vỏ, rửa sạch. Ớt bỏ cuống, rửa sạch, cho vào trụng nước sôi 3 phút rồi vớt ra để ráo.
- Cho toàn bộ dưa leo và cà rốt đã cắt ra thau. Thêm 200g muối hạt vào, dùng tay xóc đều rồi để khoảng 3 tiếng thì đem đi xả lại với nước, vừa xả vừa vắt vài lần cho khô nước. Cho dưa leo và cà rốt đã vắt vào cùng với 4 muỗng canh đường cát, dùng tay xóc đều sao cho đường cát thấm đều vào dưa và cà rốt là được. Ướp khoảng 1 tiếng cho nước trong dưa leo chảy ra hết.
- Cho 100g tỏi bóc vỏ, 100g ớt luộc vào máy rồi xay nhuyễn. Đun sôi 300g đường phèn với 750ml nước cho tan hết thì tắt bếp, để nguội rồi lọc qua rây để bỏ những sợi chỉ trong đường phèn. Rồi cho nước đường phèn ra tô lớn, thêm tỏi ớt rồi cho dưa leo và cà rốt vào. Trộn đều rồi để bên ngoài 10 phút là được. Dưa leo sau khi muối có độ giòn, chút mặn ngọt, chua cay cực kỳ cuốn hút. Cách muối dưa leo nói chung hay làm đồ chua từ dưa leo không khó nhưng thành phẩm lúc nào cũng chinh phục mạnh mẽ bất cứ ai nếm thử. Vậy nên, đừng bỏ qua công thức làm đồ chua ngon đơn giản từ dưa leo như trên bạn nhé.
4. Cách làm cà pháo muối chua
4.1. Nguyên liệu
- Cà pháo
- Tỏi, ớt, gừng
- Nước mắm, đường
- Muối hạt, giấm
- Dụng cụ thực hiện: dao, máy xay sinh tố, hũ thủy tinh, chén, nồi,…
4.2. Cách làm đồ chua từ cà pháo giòn ngon
- Cà pháo mua về cắt bỏ cuống. Chuẩn bị 1 cái thau cho nước và 1 ít muối hạt, 1 ít giấm vào khuấy đều để ngâm cà. Sau đó, chẻ cà làm đôi và ngâm trong 4 tiếng rồi vớt ra rửa lại nước sạch và để ráo nước.
- Tỏi bóc vỏ, ớt bỏ cuống rồi cho vào máy sinh tố xay nhuyễn. Gừng cạo vỏ, rửa sạch rồi cắt sợi mỏng vừa ăn.
- Cho vào nồi 1/2 chén nước mắm, 1/2 chén đường và 1 chén giấm ăn. Đun với lửa nhỏ cho đường tan hết, nêm nếm lại cho vừa ăn thì tắt bếp và để hỗn hợp nguội lại.
- Khi cà ráo nước, bạn xếp vào hũ thuỷ tinh, cho gừng, tỏi và ớt vào trộn đều. Nước ngâm nguội thì cho nước mắm vào, dùng dĩa sạch nén cà ngập mặt nước rồi để chua là ăn được. Cà pháo ngâm với vị chua ngọt, ăn giòn giòn cực kỳ ngon. Dùng món này với canh rau đay nữa là hết ý đó bạn ạ.
5. Cách làm đồ chua đơn giản từ măng ớt để được lâu
5.1. Nguyên liệu
- Măng tươi: 1 kg
- Tỏi: 100 gr
- Ớt tươi: 100 gr
- Giấm ăn: 1 chén ăn cơm
- Nước vo gạo dùng để ngâm măng
- Muối và đường
5.2. Cách làm măng ớt ngâm chua
- Măng tươi sau khi mua về thì bóc bỏ lớp bẹ già rồi rửa qua với nước. Dùng dao cắt măng thành từng miếng mỏng theo chiều dọc của măng rồi rửa sạch với nước 1 lần nữa.
- Ngâm măng đã cắt với nước muối. Để măng trắng giòn và loại bỏ độc tố, bạn có thể cho thêm 500ml nước vo gạo vào ngâm qua 1 đêm rồi vớt ra để ráo. Tiếp tục ngâm măng đã để ráo cùng 1 chén giấm ăn và 1 lít nước trong khoảng 30 phút thì vớt ra, để ráo nước.
- Tỏi bóc vỏ, cắt lát mỏng. Ớt bỏ cuống, rửa sạch rồi cắt nhỏ.
- Bắc nồi lên bếp, cho vào nồi 1 lít nước cùng 2 muỗng canh muối, 2 muỗng canh đường. Đun đến khi nước sôi thì tắt bếp để nguội. Nước ngâm nguội thì cho vào hũ đựng và toàn bộ phần măng, tỏi, ớt đã để ráo vào cho ngập nước và đậy kín nắp hũ lại.
- Đem hũ đựng măng để ở nơi thoáng mát khoảng 5 – 7 ngày để đạt độ chua nhất định là có thể thưởng thức. Măng trắng và giòn, hơi cay cay vị của ớt và mùi thơm đặc trưng từ tỏi. Bạn có thể dùng măng chua tỏi ớt như 1 món ăn kèm hoặc kết hợp với các nguyên liệu khác làm những món cực kì ngon miệng và chống ngán rất hiệu quả.
5.3. Cách bảo quản món măng chua tỏi ớt để được lâu
- Khi măng đã đạt được độ chua mong muốn, bạn nên bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh để ăn dần. Bởi vì nhiệt độ lạnh sẽ hạn chế tốc độ lên men của măng chua. Nhờ đó, giúp cho măng không bị quá chua và khó ăn.
- Tốt nhất là bạn nên làm vừa phải để thưởng thức hết măng chua trong vòng 1 – 2 tháng. Như vậy mới cảm nhận được vị ngon của món ăn. Măng chua khi ngâm quá lâu có thể sẽ bị nổi váng. Lúc này, bạn không nên dùng nữa để tránh các ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Trên đây là cách làm đồ chua kiểu cơ bản và một số món chua thơm ngon truyền thống của Việt Nam mà bạn có thể áp dụng tại nhà. Món chua sẽ tuyệt vời nhất khi ăn kèm với bánh mì kẹp thịt, bánh xèo, chả trứng, cơm tấm,…Sau khi ngâm chua, hãy bảo quản chúng trong tủ lạnh để thời hạn dùng để được lâu nhé. Thông thường, rau củ ngâm chua có thể để được đến vài tháng trong tủ lạnh, miễn chúng không quá chua là có thể ăn được.
Bích Tuyền